Đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân miền núi

Chủ nhật - 19/12/2021 17:33
Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, với 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp. Hiện nay, Khánh Sơn đã trở thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, với hàng nghìn ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Song song với phát triển về diện tích, địa phương cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân để áp dụng vào thực tế sản xuất, nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
          Tập trung chuyển đổi cây trồng
          Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, chưa được 5.000 ha. Nhằm tăng giá trị trên diện tích canh tác, đồng thời thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những nội dung quan trọng đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã chuyển đổi được 984 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, mía tím.
Người dân Khánh Sơn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả
sang trồng bưởi da xanh
          Bà Bo Bo Thị Nghiệm (thôn A Pa 1, xã Thành Sơn) cho biết, nhà bà có 7 sào đất vườn, trước đây chỉ trồng mì, năm 2016 được Nhà nước hỗ trợ, bà đã chuyển đổi sang trồng được hơn 100 cây sầu riêng, bưởi da xanh, hiện nay đang phát triển tốt và có cây bắt đầu ra quả. Năm 2020, gia đình bà tiếp tục đăng ký đối ứng theo Quyết định 1609 của UBND tỉnh Khánh Hòa và đã được hỗ trợ thêm hơn 100 cây sầu riêng để trồng trên diện tích ngay cạnh nhà (trước đây trồng keo).    
          Trên diện tích 2 sào đất vườn, trước đây, hộ gia đình ông Bo Bo Ngọc Lê (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) trồng một năm 2 vụ bắp, cho thu nhập khoảng 5- 6 triệu đồng/năm. Mấy năm nay, ông chuyển sang trồng mía tím, có năm ông thu được 35-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng.
        Đến năm 2021, toàn huyện đã phát triển được hơn 200 ha mía tím, hơn 3.400 ha cây ăn quả, cây công nghiệp các loại. Trong đó: sầu riêng trên 1.802 ha, bưởi da xanh 343 ha, chôm chôm 69 ha, chuối 802 ha , quýt 38 ha, cà phê 352 ha…Về diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch năm 2020 là 590 ha, năm 2021 tăng lên 780 ha. Khánh Sơn đã trở thành thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh. Ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Khánh Sơn xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích sản xuất đạt hiệu quả thấp, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, với diện tích chuyển đổi 840 ha từ cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao hơn.
          Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật
         Không chỉ phát triển về số lượng, diện tích, Khánh Sơn đã chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao KHKT để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nông sản Khánh Sơn trên thị trường. Theo bà Bo Bo Thị Kiên-Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, công tác khuyến nông trên địa bàn huyện thời gian qua tập trung vào việc hướng dẫn, chuyển giao KHKT cho người dân canh tác mía tím và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm,…), từ khâu chọn giống, chuẩn bị đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch nông sản, nhất là từng bước chuyển giao cho người dân kỹ thuật canh tác theo mô hình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch. Từ năm 2020 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trồng, chăm sóc cây sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, mía tím và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho bà con nông dân trong huyện. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nhân rộng mô hình trồng đậu đen xanh lòng tại các xã, thị trấn. “Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đơn vị chú trọng đẩy mạnh hình thức “cầm tay chỉ việc”, lên lớp ngay tại vườn, tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, người dân được hướng dẫn, thực hành, giải đáp những thắc mắc cụ thể trong thực tế sản xuất. Giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đại đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Khánh Sơn đã chủ động, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất của gia đình mình, nhất là ngày càng có nhiều hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ”, bà Kiên cho biết.
Tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho người dân
        Năm 2019, ông Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) đã đăng ký tham gia lớp học nghề trồng cây ăn quả do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. “Gia đình tôi hiện có 8,6 sào trồng sầu riêng và bưởi da xanh. Nhờ kiến thức học được, tôi đã biết cách xử lý ra hoa, đậu trái đúng thời điểm, cũng như phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học trên cây trồng của gia đình. Riêng năm 2021, gia đình tôi đã có hơn 60 cây sầu riêng 7-8 năm tuổi cho thu hoạch, bán được 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, mấy chục cây sầu riêng và bưởi da xanh mới trồng năm 2019 hiện đang phát triển khá tốt”, ông Hùng cho biết thêm. 
       Thời gian gần đây, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã triển khai mô hình trồng một số loại cây trồng mới như: mô hình trồng cây măng tây (xã Sơn Hiệp), mô hình dâu tây (xã Sơn Trung, Ba Cụm Nam), mô hình trồng ổi Trân châu Đài Loan (xã Ba Cụm Bắc), mô hình trồng nấm Bào ngư (thị trấn Tô Hạp)… Hiện các mô hình này đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nếu thành công sẽ chuyển giao cho người dân nhân rộng sản xuất.
       Ngoài ra, để thích ứng với điều kiện thời tiết nắng hạn ngày càng gay gắt, nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng ngày càng khan hiếm, Hội Nông dân huyện đã phối hợp mở các lớp tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn cho hội viên nông dân về các mô hình tưới tiết kiệm cho cây ăn quả. Ông Đoàn Ngọc Giang (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) chia sẻ: “Vườn cây ăn quả của gia đình tôi rộng khoảng 1 ha. Từ sau khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, thời gian và công sức cũng như lượng điện, nước tiêu tốn cho mỗi lần bơm tưới đã giảm gần 50%, tuy nhiên vẫn đảm bảo độ ẩm đều, liên tục cho cây. Không riêng gì gia đình tôi, hiện nay, trong tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Sơn Trung cũng đã có hơn 10 tổ viên đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm”.
        Nâng cao giá trị nông sản
       Nhờ tích cực chuyển giao KHKT cho người nông dân, năng suất, chất lượng nông sản Khánh Sơn đã từng bước được nâng lên, sản lượng thu hoạch năm sau cao  hơn năm trước. Năm 2021, tổng sản lượng các loại trái cây chủ lực tại Khánh Sơn đạt 11.860 tấn. Riêng sầu riêng gần 6.200 tấn (tăng 6,9% so với năm 2020); bưởi da xanh 607 tấn (tăng 9,2% so với cùng kỳ), chuối 4.781 tấn (tăng 4,8% so với cùng kỳ)…Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã có sản phẩm (bưởi da xanh, sầu riêng) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, 2020, toàn huyện có 10 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP và đều được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao. Trong đó: năm 2019 có 7 sản phẩm, bao gồm: 6 sản phẩm sầu riêng và 1 sản phẩm mía tím của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các xã; năm 2020 có 3 sản phẩm sầu riêng của các tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn. Năm 2021, Khánh Sơn tiếp tục đăng các sản phẩm để UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP, đó là: trái sầu riêng tươi của Hợp tác xã Điền Thanh; trái bưởi và trái sầu riêng của Tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Hiệp; trái sầu riêng của Công ty TNHH Thực phẩm nông nghiệp xanh; sản phẩm mật chuối, chuối sấy của Cơ sở sản xuất An Hòa; trái chuối tươi của Tổ hợp tác trồng và chăm sóc chuối mốc xã Thành Sơn. Hiện địa phương cũng đang chú trọng xây dựng thương hiệu Bưởi da xanh Khánh Sơn, Mía tím Khánh Sơn…
Thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn
        Đối với sầu riêng Khánh Sơn, với ưu điểm quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn” từ năm 2011. Và thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Năm 2019, sầu riêng Khánh Sơn được công nhận đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam… Toàn huyện có 225 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, sản phẩm sầu riêng VietGAP của Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình bước đầu đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.op Mart Nha Trang. Hiện nay, huyện đang tập trung hỗ trợ người dân trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho vùng trồng với mục đích sầu riêng Khánh Sơn có thể xuất khẩu chính ngạch.
      Khoảng chục năm trở lại đây, sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ gia đình. Ở những thời điểm không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá sầu riêng Mong Thoong dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; sầu riêng Chín Hóa trên 30.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông hộ thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Để giúp người dân tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thời gian gần đây, huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để giới thiệu các loại trái cây đặc sản của địa phương đến người tiêu dùng. Nếu trước đây, vào mỗi vụ thu hoạch trái cây, chỉ có một vài thương lái đến thu mua, thì sau Lễ hội trái cây năm 2019, Phiên chợ nông sản năm 2020, đã có đến 20 thương lái ở khắp nơi đến thu mua nông sản Khánh Sơn.
       “Việc đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho người nông dân thời gian qua tại Khánh Sơn đã góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hơn 6%/năm. Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS tại Khánh Sơn thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm từ cây ăn quả. Cũng từ hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào canh tác đã tạo động lực để các hộ đồng bào DTTS giữ đất làm tư liệu sản xuất, không sang nhượng trái phép. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chương trình OCOP, tăng cường chuyển giao cho người dân kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn nói.  

Tác giả bài viết: Đinh Luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây