Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú tại một thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh, cộng đồng Raglai ở Tô Hạp (huyện Khánh Sơn - Khánh Hòa kéo dài đến giáp các xã thuộc vùng Tây Bắc Ninh Thuận) còn giữ được nhiều yếu tố cổ trong ngôn ngữ và giá trị văn hóa dân gian dân tộc cổ truyền hơn tại các vùng khác.
Gia đình
Người Raglai quan niệm có vợ có chồng là có sự sống giống nòi, do vậy việc cưới được tiến hành trang trọng với rất nhiều lễ tục mang đậm tính nhân văn và là ngày hội vui của cả cộng đồng. Đồng thời, xã hội nghiêm khắc lên án những hành vi trái với phong tục tập quán mà luật tục Raglai nêu lên nhiều sự việc sự vụ cụ thể liên quan đến hôn nhân gia đình và quan hệ nam nữ (phải chịu cưới phạt - tẩy rửa do quan hệ tình dục trước hôn nhân, việc ngoại tình, cưỡng dâm, đàn bà lớn tuổi dụ dỗ con trai mới lớn… và cao nhất là tội loạn luân).
Người Raglai vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Con gái cưới chồng về nhà với quan niệm chặt cây rừng về làm cột nhà, bắt người ta về làm người mình và chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ, gánh vác mọi công việc làm ăn nhưng quyền quyết định những việc lớn, quan trọng vẫn là người vợ hay người cậu bên vợ. Con cái theo họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống họ mẹ suốt bảy đời. Quyền thừa kế của cải truyền đời của ông bà để lại thuộc về con gái và thường là con gái út gánh vác trọng trách quản lý gia đình khi cha mẹ qua đời; nếu con gái út còn quá nhỏ thì người cậu hay người chị gái giúp đỡ trông nom quản lý, tuyệt đối không được lợi dụng hay chiếm đoạt.
Nhà ở
Người Raglai ở nhà sàn - còn gọi nhà dài. Ngôi nhà dài truyền thống Raglai kết cấu vững chắc, thông thường các cột chính có đường kính hơn ba gang tay, cao hơn 4m. Riêng phần thềm - phần sàn từ sân đất lên hết cầu thang trước khi bước vào các gian nhà chính bên trong - rộng hơn 3m chạy suốt hiên mặt trước nhà đủ để dàn mã la diễn tấu cùng các sinh hoạt khác mỗi khi gia đình có lễ hội (việc cưới, việc tang, lễ bỏ ma, lễ đền ơn đáp nghĩa mẹ cha…) và cả khi phân xử sự việc theo luật tục. Thềm trước nhà còn là nơi nghỉ ngơi thư giãn, ăn trầu hút thuốc.
Trong khu đất ở của một gia đình, nhà dài được gọi là cơ ngơi to và chung quanh là hệ thống kho tàng. Tùy gia đình ít hay nhiều lao động, biết tính toán làm ăn hay không mà xây dựng những nhà kho: kho lúa, kho bắp, kho bông vải hay nhà kho bên ngoài bông vải chứa khung cửi dệt và là nơi may vá thêu thùa dành cho đàn bà con gái trong gia đình.
Các khu nhà ở của gia đình Raglai thường xây dựng trên sườn đồi về một bên của dòng suối và có tập quán xây dựng cách xa nhau. Quanh khu nhà ở có hàng rào chắc chắn, có một hoặc hai cửa ra vào và luôn có máng nước bằng tre nứa dẫn từ suối về bảo đảm sinh hoạt hàng ngày và có chỗ tắm giặt cho đàn bà, con gái, trẻ em. Máng dẫn nước từ suối về nhà đã đi vào tập quán nên khi dựng nhà mồ luôn phải làm máng nước giả cho người đã khuất. Ngoài ra, trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn có nhà rẫy để ăn uống nghỉ ngơi trong những ngày lao động mùa vụ, có kho tạm chứa hoa lợi trước khi mang về nhà.
Nhà dài Raglai là nơi sinh sống quây quần của ít nhất ba - bốn thế hệ (bà - ông, mẹ - cha, các con gái - các chàng rể, các cháu, chắt) dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, trong dòng họ. Gia đình được coi là cơ sở của cộng đồng làng.
Làng và tổ chức làng
Nhiều nhà họp thành xóm, nhiều xóm họp thành làng là đơn vị cơ sở của xã hội. Quản lý điều hành công việc của làng thường gồm Chủ Làng, Chủ Núi và Chủ Xử việc. Đây là những người nổi trội, những người được coi là mẫu mực trong gia đình, nuôi nấng dạy dỗ con cái mạnh khỏe, lao động sản xuất giỏi giang, những người gương mẫu gìn giữ phong tục tập quán, có hiểu biết, giao thiệp rộng được bà con xóm làng nể trọng. Chủ Làng có nhiệm vụ trông coi điều khiển mọi hoạt động, duy trì trật tự trị an, tổ chức lực lượng sẵn sàng cùng phòng chống thú dữ hay bất cứ sự xâm nhập nào từ bên ngoài, chủ trì các lễ hội của làng. Cùng quản lý cộng đồng làng còn có Chủ Núi là người thông thuộc ranh giới đất đai rừng núi thuộc phạm vi mình quản lý, trong đó có ruộng nương rẫy thuộc sở hữu gia đình, sở hữu dòng họ và sở hữu cộng đồng. Phạm vi quản lý của Chủ Núi thường trùng khớp với địa giới của một làng nhưng cũng có trường hợp gồm nhiều làng. Bên cạnh Chủ Làng, Chủ Núi còn có Chủ Xử việc, người chủ trì các cuộc phân xử sự việc lớn nhỏ xảy ra trong làng. Chủ Xử việc là người am hiểu sâu sắc phong tục tập quán, nắm rõ những điều kiêng cữ cấm kỵ, thông làu luật tục và quan trọng hơn hết là có cuộc sống mẫu mực, đạo đức, là người công tâm, có uy tín trong dân làng.
Kinh tế
Nguồn lương thực và thực phẩm chính của người Raglai dựa hoàn toàn vào sản xuất nương rẫy và một ít ruộng nước, bắp, lúa là lương thực chính, sau đó bo bo, cao lương, các loại khoai, đậu đỗ cùng nhiều loại rau quả khác. Điều đáng nói là người Raglai không du canh du cư mà chỉ luân canh trên những đám rẫy của mình đã có, gồm rẫy mới phát (rẫy hổi, rẫy vừa bỏ vài ba năm) và rẫy cũ đã bỏ 8 - 9 năm đã thành rừng. Khi canh tác trên rẫy mới vài ba năm, đất đã bạc màu, chủ rẫy bỏ cho đất nghỉ để quay lại rẫy cũ lúc này đã thành rừng sau hơn 9 - 10 năm đất nghỉ, phát dọn canh tác.
Ngoài rẫy nương, việc khai thác sản vật từ rừng núi, trong đó có các loài chim thú thông qua việc dọn ranh đặt bẫy và săn bắn cũng là nguồn cung cấp quan trọng. Mãi đến vài thập niên trở lại đây người Raglai vẫn còn duy trì phương thức canh tác nguyên thủy là phát rừng - đốt rẫy - chọc lỗ - trỉa giống, săn bắt và đào củ, hái rau quả trong rừng.
Người Raglai có nhiều vật nuôi, thường là trâu, bò, heo, dê, gà, vịt để làm thực phẩm và lễ vật trong các nghi lễ hoặc của cải để trao đổi, bồi thường… con chó vừa để giữ nhà và giúp người đi săn. Ngoài ra còn có mèo, ngựa.
Xuất phát từ nền kinh tế sản xuất tự túc, các nghề thủ công như đan lát, gốm, dệt, ren, làm giấy phất diều đã hình thành nhưng chậm phát triển, chưa thành hàng hóa, chỉ đủ bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống cộng đồng. Về sau, có lẽ do điều kiện giao lưu thuận lợi hơn, các "đò đưa" "thương lái" người Chăm và người Việt mang hàng hóa có chất lượng cao hơn len lỏi vào từng làng từng nhà đã góp phần hạn chế sự phát triển, thậm chí làm tê liệt nghề thủ công truyền thống vốn non yếu của người Raglai.
Y phục cổ truyền
Các thế hệ người Raglai đã sáng tạo trang phục riêng cho mình với kiểu dáng, màu sắc, hoa văn vừa phản ánh thị hiếu thẩm mỹ dân tộc vừa phù hợp với sinh hoạt sản xuất. Người nữ Raglai mặc cà chăn/váy màu đen có từ 5 đến mười đường hoa văn vòng quanh từ gấu váy lên ngang gối; vòng hoa văn dưới cùng màu đỏ, các vòng bên trên màu trắng. Người Raglai có loại áo chui đầu (gọi theo kiểu dáng); còn được gọi là áo khoang (gọi theo màu sắc - vì thân áo và ống tay áo gồm hai màu trắng đen xen kẽ nhau thành từng khoang từ dưới lên). Áo chui đầu có nguồn gốc từ những chiếc áo làm bằng hai mảnh vỏ cây từ thuở con người chưa biết trồng bông dệt vải. Từ kiểu áo chui đầu, về sau người Raglai sáng tạo ra loại áo xẻ thân trước thành hai vạt, riêng áo nữ có gài nút bên dưới ngực. Chi tiết mà người già lưu ý là: lớp trẻ phải mặc áo chui đầu cho kín đáo, những người có con mới mặc áo xẻ thân trước thành hai vạt để tiện mở ra khi cho con bú. Bên trong áo, người nữ Raglai mặc lót cái yếm, hai dây yếm buộc quàng qua cổ thả sau lưng. Về sau dây yếm trở thành trang sức, may riêng và gắn vào vòng kiềng đeo cổ. Đồ trang sức của nữ có cong vòng đeo cổ tay, vòng đeo cổ, các loại vòng cườm, bông tai bằng đồng thau hay bằng bạc (trong sử thi còn thấy có lục lạc).
Người nam Raglai mặc cà giọt/khố và áo khoang. Lưng buộc dây thắt lưng. Cả nữ và nam đều có khăn vấn đầu. Ngoài trang phục sử dụng thường ngày cho từng giới còn có trang phục lễ hội, trang phục cho từng đối tượng khác nhau trong xã hội.
Chất liệu dùng nhuộm màu là những cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên. Những chất liệu này còn dùng trang trí hoa văn hình tượng trên nhà mồ, trên các con tàu trong nghi lễ cầu cúng và trên những cánh diều, góp phần thư giãn vào những ngày nhàn rỗi.
Ca nhạc dân gian
Nền ca nhạc dân gian dân tộc Raglai khá phong phú và độc đáo. Cổ nhất là đá kêu, những thanh đàn đá tiền sử được dựng thành dàn trên rẫy, thông qua một hệ thống truyền lực tự động bằng mây tre gỗ sẵn có trong rừng, dùng sức nước điều khiển tạo nên bản hòa tấu với màu âm độc đáo vang động núi rừng. Kế đến là chiêng cồng mã la, được người xưa chế tác bằng tay nên nổi rõ trên bề mặt những vết gò lốm đốm da cóc như ba tầng hoa văn tinh tế. Đây là báu vật xếp hàng đầu trong báu vật truyền đời của tổ tiên dòng họ.
Dân ca Raglai phong phú về làn điệu, có các làn điệu chính cổ truyền, một số làn điệu đã được cách tân phát triển thành làn điệu mới. Các điệu alơu sa-ư - hò, ru con, ru em, đồng dao, lời văn cầu cúng trong các nghi lễ… Các làn điệu dân ca không chỉ nhằm chuyển tải tình cảm, giao lưu đối đáp trong lao động sản xuất sinh hoạt thường ngày, trong các lễ hội mà còn sử dụng diễn xướng trong đó có những thiên sử thi hấp dẫn người nghe "năm ngày mười đêm" chưa hết.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, đồng bào Raglai một lòng ủng hộ cách mạng, gia nhập các đoàn thể Việt Minh, xây dựng chính quyền nhân dân. Vừa giành được độc lập thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Tiếng súng kháng chiến chống Pháp từ Mặt trận Nha Trang vang dội khắp các tỉnh Nam Trung bộ. Lớp lớp thanh niên Raglai xung phong gia nhập "bộ đội Cụ Hồ". Đồng bào Raglai đã góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giành hòa bình độc lập thống nhất đất nước. Ngay sau ngày hoàn toàn giải phóng, bà con Raglai dốc sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Giữa những năm 90, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai đề tài "Sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng chữ viết tiếng Raglai". Đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu (năm 1996), nhóm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân gian Raglai ở Khánh Hòa đã vận dụng kết quả của đề tài vào công việc của mình hết sức có hiệu quả. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiếp cận các công trình văn hóa dân gian Raglai (thần thoại, sự tích, truyện kể, thành ngữ, tục ngữ, dân ca, đồng dao, trường ca, sử thi, nghi lễ, luật tục) được thể hiện hàng ngàn trang bằng chữ viết tiếng mẹ đẻ Raglai. Quy ước làng văn hóa xây dựng trên cơ sở vận dụng luật tục truyền thống, soạn thảo bằng song ngữ Raglai - Việt được bà con hoan nghênh. Một số tài liệu tuyên truyền được biên soạn giúp bà con dễ nghe dễ hiểu. Sách dùng giao tiếp được biên soạn cho lớp học của cán bộ người Việt hoạt động trong chương trình phát triển y tế cộng đồng tại Khánh Sơn thu được kết quả tốt.
Thực hiện chương trình chấn hưng văn hóa dân tộc, cuộc vận động bà con gìn giữ và truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ quý báu của cha ông xưa để lại từng bước được quan tâm. Chữ viết tuy chưa phổ cập nhưng đã có tác dụng cụ thể (ghi chép, lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian), từng bước đưa vào cuộc sống đương đại.
Cùng với các chương trình kinh tế - xã hội được chính quyền các cấp đầu tư xây dựng trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Raglai ở Khánh Hòa từng bước được nâng cao, tạo nên sự đổi thay hết sức căn bản và lớn lao.
NGUYỄN THẾ SANG
Nguồn: Báo Khánh Hòa Online ngày 1/4/2003