Giữ lửa cho hồn Raglai

Thứ năm - 28/11/2019 07:06
Một người là con của buôn làng, một người vì yêu mà dành hơn nửa đời để rong ruổi đi tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ văn hóa Raglai. Cùng với những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh Khánh Hòa, họ đã và đang góp phần giữ lửa cho nền văn hóa Raglai…

Người truyền lửa

Theo chỉ dẫn của người dân ở xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Cao Điệp Phới (dân tộc Raglai) - làng Hóc Gia, thôn Giải Phóng. Dưới hiên nhà cấp 4 đơn sơ, nghệ nhân Điệp Phới đang dạy cho hơn 10 học sinh đủ lứa tuổi hát những bài dân ca của dân tộc Raglai. Hòa lẫn trong tiếng chim, tiếng gió, giọng ca tha thiết của ông quyện cùng với giọng ca các bạn trẻ như đưa người nghe về không gian mênh mang của núi rừng, nơi có người mẹ đang vỗ về, ru ngủ con bằng làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, nơi có nỗi nhọc nhằn lên nương, lên rẫy tìm cái ăn trong những tháng giáp hạt, hay nỗi nhớ da diết của người con trai về người con gái mình yêu… Học hát xong, các em lại được ông Phới dạy cách phát âm, viết chữ dân tộc Raglai.

rlay
Cao Điệp Phới và con gái dẫn chương trình Liên hoan Dân ca Raglai toàn tỉnh tổ chức tại Cam Ranh.

Hỏi chuyện, ông Phới tâm sự: “Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Lúc đưa nôi hay nằm trên lưng mẹ lên rẫy, tiếng ru dìu dặt, dịu dàng ngấm dần vào tâm hồn, để rồi khi lớn lên, những âm sắc ấy vẫn không sao phai nhạt trong tâm trí. Nhìn văn hóa Raglai đang ngày càng mai một trong lớp trẻ, tôi đau lòng lắm!. Sợ sau này mình già đi, lớp trẻ không còn biết gì về văn hóa Raglai nên tôi mở lớp học này với mong muốn các cháu hiểu và biết về văn hóa của dân tộc mình”. Em Bo Thị Vĩnh Linh - 15 tuổi, thôn Giải Phóng cho biết: “Em tham gia lớp học đã được 3 tháng. Trước kia, do không biết chữ Raglai nên khi nhắn tin hoặc nói chuyện với bạn bè, có khi em phải sử dụng kèm một số tiếng Kinh. Giờ thì em có thể tự tin sử dụng hoàn toàn tiếng Raglai để trò chuyện”. Còn em Cao Ninh Cuông - học viên của lớp chia sẻ, ngoài học chữ, em và các bạn còn được dạy hát sử thi, các làn điệu hát ru… Qua lời các bài hát và lời kể của thầy Phới, em mới biết văn hóa của dân tộc Raglai rất phong phú, thấy quý, yêu và trân trọng hơn văn hóa của dân tộc mình.

Cũng chính vì không muốn để văn hóa Raglai rơi dần vào quên lãng, bên cạnh tự mở lớp dạy học tiếng Raglai cho các em học sinh trong thôn, năm 2014, dưới sự hỗ trợ của TP. Cam Ranh, ông Phới cùng với một số người đứng lớp dạy tiếng Raglai cho gần 200 học viên là giáo viên, cán bộ, công viên chức của thành phố. Đồng thời, tham gia tập huấn đánh các làn điệu mã la cho thanh niên ở các xã, phường có đông người Raglai sinh sống. Từ lớp học này, các xã, phường đã thành lập được đội mã la và sử dụng thành thạo các làn điệu trong các lễ hội. Song song đó, ông còn tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về: các làn điệu dân ca Raglai; thành ngữ, tục ngữ người Raglai ở Khánh Hòa. Ngoài ra, ông còn tự sáng tác lời cho 5 bài hát ru kể về tình yêu đôi lứa, quê hương, tình mẫu tử; soạn thảo cuốn tài liệu tập huấn hướng dẫn cách đánh mã la; thiết kế đồ truyền thống dân tộc Raglai. Hiện nay, ông đang phối hợp soạn thảo đề cương “Truyện cổ Raglai”…

Đi tìm hồn văn hóa Raglai

Ở tuổi 71, sức khỏe không cho phép nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ thường xuyên đến các huyện vùng cao để làm công tác ghi âm, sưu tầm tư liệu như thời trẻ, nhưng niềm đam mê tìm hiểu các giá trị văn hóa của đồng bào Raglai vẫn luôn sục sôi trong ông. Hàng ngày, trên căn phòng áp mái trong căn nhà nằm ở phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh ông vẫn miệt mài rã băng, dịch thuật những tài liệu đã sưu tầm trước đó.

rlay1
Ông Cao Điệp Phới tập hát dân ca bằng tiếng Raglai cho các em học sinh.

Kể về cái duyên đến với công việc này, ông Trần Vũ cho biết, trước giải phóng, ông là thành viên của hội chữ thập đỏ nên 1 - 2 tháng ông có dịp đến các địa phương có đồng bào dân tộc Raglai để làm từ thiện. Từ các đợt đi ấy, những bài đồng dao, làn điệu hát ru con, ru em, những đêm dài ngồi nghe các nghệ nhân Raglai kể sử thi đã cuốn hút ông. Năm 1986, ông được điều về công tác ở huyện miền núi Khánh Sơn. Gần chục năm ở cương vị phó chủ tịch huyện, ông có dịp gần gũi và biết nhiều hơn những nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai, từ đó, khơi gợi cho ông ý tưởng tìm hiểu về văn hóa bản địa.

Hỏi chuyện, ông ít nói về mình mà chỉ say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái hay, cái đẹp của luật tục dân tộc Raglai; sự khác nhau giữa những làn điệu; ý nghĩa âm hưởng từng bài mã la ở các lễ hội… Ông kể: “Các nghi lễ của tộc người Raglai rất phong phú, đa dạng. Luật tục Raglai là một sản phẩm truyền khẩu bằng văn vần rất đặc sắc, đề cập đến nhiều vấn đề trong sản xuất, sinh hoạt đời thường, trong ứng xử với con người, quy định về tín ngưỡng đối với thần linh. Những điều đó khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn”.

Với niềm đam mê ấy, mỗi ngày hết giờ làm việc, ông lại rong ruổi trên khắp các con đường, đồi núi, đến từng thôn làng để tìm, ghi chép, lưu giữ những luật tục, lời ru của núi rừng. Ông tâm niệm làm sao để những làn điệu dân ca, hát ru, các bộ sử thi Raglai không chỉ vang lên trên nương, rẫy, trong những đêm hội mà phải được lưu giữ trên văn bản để truyền lại cho con cháu mai sau. Từ những năm tháng gắn bó đó, ông nhận thấy những giá trị văn hóa bản địa có nguy cơ bị mai một do người Raglai chỉ truyền khẩu mà không có chữ viết. Xác định chữ viết sẽ là công cụ quan trọng để lưu giữ cái hồn của văn hóa Raglai. Vì vậy, năm 1993, ông cùng với nghệ nhân Mấu Quốc Tiến (người Raglai) thực hiện đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện chữ viết tiếng Raglai”. Dựa trên bộ chữ tiếng Raglai của người Pháp và quyển tài liệu “Viện ngôn ngữ mùa hè” cùng với những tư liệu, thông tin thu thập được trong các chuyến điền dã, qua 3 năm,  ông và nghệ nhân Mấu Quốc Tiến biên soạn một cuốn từ vựng tiếng Raglai - Việt với 6.000 từ và sách giáo khoa dạy chữ viết Raglai. Không dừng lại ở đó, ông còn biên soạn tài liệu đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai cho cán bộ ngành Y tế, sách giáo khoa tiếng Raglai cơ bản, nâng cao... Đến nay, những tài liệu này vẫn được sử dụng trong công tác giảng dạy tiếng Raglai ở tỉnh. Ngoài ra, ông cùng với các thành viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam biên soạn cuốn tài liệu Văn hóa dân gian người Raglai ở Khánh Hòa; Luật tục Chăm và Luật tục Raglai; tham gia nhiều hội thảo trong và ngoài nước, trong đó có hội thảo “Luật tục và sự phát triển của nông thôn Việt Nam” với 18 nước tham gia. Ở hội thảo này, ông và nghệ nhân Mấu Quốc Tiến đã có dịp trình bày, giới thiệu văn hóa dân tộc Raglai với bạn bè quốc tế.

 Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Trần Vũ vẫn đang miệt mài hoàn thiện tác phẩm “Akhàt Jucar: Che Tili” dài hơn 1.200 trang - truyện thần thoại bằng văn vần kể về một người anh hùng Raglai có nhiều tài phép, đấu tranh lại các thế lực tàn ác để bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân tộc. “Hiện nay, sức khoẻ tôi đã yếu nhiều. Điều tôi canh cánh nhất là chưa biên soạn được cuốn từ điển Raglai - Việt có cả từ đơn và ghép với khoảng 10.000 từ để lưu truyền lại thế hệ sau”, ông Trần Vũ trăn trở.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, TP. Cam Ranh: Những công trình nghiên cứu và các hoạt động của ông Trần Vũ và Cao Điệp Phới góp phần rất lớn trong việc truyền lửa, giữ hồn cho văn hóa Raglai trên địa bàn TP. Cam Ranh. So với một số huyện, thị khác, số lượng người dân tộc Raglai sống trên địa bàn của thành phố không nhiều bằng, nhưng những năm qua, thành phố luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn văn hóa Raglai thông qua các hoạt động giao lưu, tôn vinh, hội thảo…

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/201911/giu-lua-cho-hon-raglai-8138514/

Tác giả bài viết: VÂN - LY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây