Độc đáo dân ca Raglai

Thứ năm - 26/08/2021 14:36
Trong kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Raglai, bên cạnh những bộ sử thi đồ sộ, câu hát giao duyên mượt mà trữ tình, giai điệu mã la trầm hùng… còn có nhiều câu hát dân ca độc đáo.

Đa sắc thái biểu cảm

Trong những lần lên công tác ở huyện miền núi Khánh Sơn, ngồi trò chuyện với nghệ nhân Mấu Quốc Tiến -người dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Raglai, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều điều về vốn văn hóa của người dân nơi đây. Bên cạnh những bộ sử thi đồ sộ, những câu hát giao duyên mượt mà trữ tình, những giai điệu mã la trầm hùng…, đồng bào Raglai vẫn còn lưu giữ được nhiều câu hát dân ca độc đáo. “Dân ca của đồng bào Raglai gồm những bài ca thể hiện nhiều khía cạnh trong đời sống tinh thần của người dân. Đó là sự thể hiện tình cảm con người, lời khuyên bảo, phê phán, kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực của cộng đồng trong lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương…”, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến chia sẻ.

Đồng bào Raglai biểu diễn hát dân ca.

Đồng bào Raglai biểu diễn hát dân ca.

Lạc vào thế giới của những câu hát dân ca đó của đồng bào Raglai, chúng ta càng hiểu thêm về đời sống tinh thần, suy nghĩ của người dân nơi đây từ thuở xa xưa. Trong sinh hoạt thường ngày, muốn răn dạy, khuyên bảo mọi người phải biết tôn trọng người đi trước, đồng bào hát rằng: “Lửa cháy bùng nhờ cành khô/Trẻ lớn khôn nhờ người già”. Đồng bào cũng có những lời răn dạy để ngăn những mối quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng: “Chồng chồng/Mày đừng có bắt/Con vợ mới khác/Vợ vợ/Mày đừng có bắt/Thằng chồng nào khác/Phải biết lo sợ/Người ta bắt được/Người ta xử việc/Phải sợ người ta/Bắt phạt tội lỗi”. Thế mới biết, luật tục của người Raglai nghiêm cấm việc quan hệ bất chính, ai sai phạm sẽ bị cộng đồng làng xử lý nghiêm minh. Qua những lời dân ca trên, người dân không chỉ nói cho biết quy định của dân làng, nó còn có ý khuyên con người phải sống thủy chung trong đời sống vợ chồng. Đồng bào cũng dùng những câu hát để khen ngợi về tình cảm vợ chồng bền chặt: “Tôi nhổ cỏ lúa/Anh gieo hạt kê/Tôi gieo hạt đậu/Anh chủ jacuơq/Trèo hái lá trầu…”.

Đối với những thói hư, tật xấu của con người trong xã hội, đồng bào dành những câu ca thâm thúy. Người Raglai xem vạn vật hữu linh nên thường nhờ cậy thầy cúng trong nhiều việc của gia đình, làng bản. Tuy nhiên, đồng bào cũng rất đề phòng với những người lợi dụng hành nghề thầy cúng để lừa gạt: “Ục ục con heo đưa đi/Ục ục con heo đưa lại/Thạp cho đáng thạp/Ché cho đáng ché/Mày nạp cho tôi/Thì tôi nhận”…

Thể hiện gần gũi, sinh động

Trong đời sống của người Raglai trước đây, những bài dân ca được sử dụng như một loại nói lối phổ biến. Người dân sử dụng nó một cách thường xuyên để truyền đạt tình cảm của mình:“Trầu têm trầu têm của chú/Trầu têm tôi nàng ơi… Cô nàng bói lời tiếng hót chim cutoc/Là đã bói xem lời cho nhau rồi…”. Khi lao động sản xuất, đồng bào cũng có những câu ca về việc lên nương rẫy, cách trồng tỉa một số loại cây. Đây cũng là cách để người lớn dạy bảo cho trẻ nhỏ quen dần với công việc làm nông: “Bà đi rẫy.../Dây mây chẻ/Đan ví đựng/Ví rung mình/Đụng sóc rừng…”; công việc săn bắn: “Bện dây ná/Hoa văn đôi/Bắn chim két/Bện dây ná/Hoa văn ba/Bắn cu gáy…”. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đồng bào Raglai cũng có những bài dân ca tuy đơn giản, nhưng đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nhiệt tình tham gia các hoạt động ủng hộ kháng chiến. Ngày nay, những người lớn tuổi thỉnh thoảng vẫn hát những bài dân ca kháng chiến như: “Lực lượng đi đánh đồn/Phải đánh cho Mỹ thua/Sẵn sàng vì hòa bình/Năm nay quyết thắng Mỹ…”.

Những câu hát dân ca Raglai còn trong ký ức của người già.

Những câu hát dân ca Raglai còn trong ký ức của người già.

Theo nghệ nhân Mấu Xuân Điệp (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn), ngày trước, người Raglai hát dân ca phổ biến như người Kinh sử dụng ca dao, tục ngữ trong đời sống hàng ngày. Bây giờ, những câu hát này chỉ còn lại trong ký ức của người già, lớp trẻ rất ít người quan tâm và sử dụng. Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian qua, địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Raglai. Trong các hội thi, liên hoan văn hóa, nghệ thuật luôn khuyến khích các đội mời những nghệ nhân tham gia biểu diễn, trình diễn các loại hình văn hóa dân gian, trong đó có hát dân ca.
 

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202108/doc-dao-dan-ca-raglai-8225354/

Tác giả bài viết: GIANG ĐÌNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây