Hiệu quả từ tổ hợp tác thanh niên

Thứ hai - 10/06/2019 08:34
Không chỉ tự tìm đầu ra cho các loại nông sản mình trồng được, anh Huỳnh Mazsa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) còn chủ động thành lập tổ hợp tác thanh niên để hỗ trợ trồng trọt, bao tiêu đầu ra nông sản cho các thanh niên và người dân trồng cây ăn trái tại huyện Khánh Sơn.

Mạnh dạn đổi mới

Đến thôn Du Oai, xã Sơn Lâm, chúng tôi được anh Mazsa dẫn đi tham quan 3ha vườn của mình. Trước đây, 3ha vườn được gia đình anh trồng chủ yếu là bưởi da xanh, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, sử dụng phân và thuốc hóa học nhiều. Từ khi tiếp quản lại, nhận thức được tầm quan trọng của việc đa dạng cây trồng và chất lượng sản phẩm, anh Mazsa bắt đầu cải tạo lại đất, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học mà chuyển sang dùng phân bón vi sinh, phòng trừ bệnh hại bằng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không gây hại đến sức khoẻ người chăm sóc lẫn người sử dụng. Cùng với đó, anh mạnh dạn bỏ cây cà phê, trồng thêm sầu riêng, xen canh quýt đường, măng cụt để tăng thu nhập.

Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều thành viên.

Theo anh Mazsa, việc trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ dù có phần tốn kém chi phí hơn, nhưng lợi ích là tăng chất lượng quả, đồng thời mang lại sức khoẻ cho người trồng, người sử dụng. Điển hình như quả bưởi da xanh, sau một thời gian được chuyển sang dùng phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh đã có nhiều nước hơn, ngọt hơn, vỏ mỏng hơn dù trọng lượng vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. “Ngày trước, nếu dùng thuốc trừ sâu hóa học, gần như tháng nào gia đình tôi cũng phải phun thuốc, rất tốn công lại độc hại. Từ khi dùng các chế phẩm vi sinh, phải 5 tháng tôi mới xịt lại cho cây một lần, khả năng kháng bệnh, sâu hại của cây cũng tăng cao”, anh Mazsa nói.

Chủ động nguồn cung - cầu

Không chỉ dừng lại ở mô hình sản xuất cá nhân, anh tự đứng ra thành lập Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn với 5 thành viên cùng chung chí hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên khác cũng sản xuất nhiều loại hình nông nghiệp, kinh doanh khác nhau như: rau sạch, cây ăn trái, nấm... Không chỉ đơn thuần hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng trọt, canh tác giữa các thành viên, ở cương vị tổ trưởng, anh Mazsa mạnh dạn đứng ra thu mua, bao tiêu các sản phẩm của những thanh niên trong nhóm, hỗ trợ mọi người thuận lợi trong đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, anh đến các vườn khác của người dân có trồng cây trái theo hướng hữu cơ và ký kết thu mua các sản phẩm như: cây ăn trái, khoai, mì, chuối, thơm...

Với nguồn cung nông sản sạch ổn định, anh quyết tâm đưa thương hiệu nông sản Khánh Sơn đến với TP. Nha Trang để mở rộng thị trường tiêu thụ. Được sự hỗ trợ, hiện anh đã mở một gian hàng nhỏ bày bán và trưng bày các mặt hàng nông sản của Khánh Sơn tại đường Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, bán các mặt hàng hữu cơ, có dán logo của tổ thanh niên khởi nghiệp để người dùng biết đến.

Anh Nguyễn Khắc Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên (Tỉnh đoàn): Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn do anh Huỳnh Mazsa thành lập là mô hình hoạt động hiệu quả. Ngoài hợp tác cùng sản xuất sản phẩm sạch, tổ còn đảm bảo được việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, đây là điều chưa có tổ hợp tác thanh niên nào làm được trước đây. Hiện, đơn vị đang tư vấn, hỗ trợ thủ tục để hướng đến thành lập đoàn thanh niên kinh tế tư nhân đối với tổ hợp tác. Từ đó, có các chính sách hỗ trợ để các mô hình hoạt động hiệu quả hơn.

Chia sẻ về định hướng của mình, anh Mazsa cho biết, hiện nay, đa phần người dân trồng trọt vẫn đang trồng theo hướng truyền thống lâu nay là sử dụng phân, thuốc hóa học, khó tạo được thương hiệu nông sản sạch. Việc trồng trọt theo hướng hữu cơ chỉ mới bắt đầu ở một bộ phận nhỏ nông dân và thanh niên. Chính vì vậy, anh muốn góp phần đẩy mạnh việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời, làm sao đưa được thương hiệu đặc sản của vùng núi Khánh Sơn đến với khách du lịch tại TP. Nha Trang. Hiện các bước triển khai đang được anh dần thực hiện và có kết quả bước đầu. Với 3ha cây ăn trái hiện tại của gia đình, anh có thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, đây mới chỉ là ban đầu, do cây sầu riêng hiện đang sắp sửa vào mùa thu hoạch, hiệu quả kinh tế có thể cao hơn. Cùng đó, anh đã kết nối được các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở TP. Nha Trang để cung cấp hàng lâu dài.

“Với tổ hợp tác của chúng tôi, các thành viên đã được bao tiêu sản phẩm, không phải lo vấn đề đầu ra. Nhờ kết quả đạt được, hiện có nhiều thanh niên có mô hình trồng trọt tương tự xin tham gia tổ hợp tác. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng hoạt động, tổ sẽ xét duyệt kỹ lưỡng để mô hình duy trì được lâu dài, giúp các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm đặc sản cây ăn trái của Khánh Sơn phát triển hơn”,  anh Mazsa chia sẻ.

 

Tác giả bài viết: V.THÀNH

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây