Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

https://dulichkhanhson.vn


Khánh Sơn: Chủ động chống hạn

Mùa khô năm nay, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của nắng hạn. 3 tháng qua, địa phương mưa ít, nắng nóng kéo dài. Hiện nay, UBND huyện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động những biện pháp phòng, chống hạn hán và thiếu nước trong cao điểm mùa khô.
Người dân xã Sơn Lâm đưa nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho cây ăn quả.
Nguy cơ thiếu nước
 
Những ngày này, nhiều nông dân ở Khánh Sơn tất bật tìm mua ống dẫn nước, lắp đặt máy bơm để đưa nước về tưới cho những vườn cây ăn trái đang độ ra hoa, kết quả. 
 
Đang kéo nước tưới cho hơn 2ha sầu riêng của gia đình tại thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, ông Nguyễn Văn Biên cho biết: “3 tháng qua, thời tiết nắng nóng khiến cây trồng có dấu hiệu thiếu nước. Tôi phải theo dõi liên tục để kịp thời kéo nước tưới cho cây, bởi sầu riêng đang thời kỳ ra hoa, nếu không tưới kịp thời thì khả năng đậu quả rất thấp, nguy cơ cây chết cũng lớn. Gia đình tôi có hơn 4ha sầu riêng, trong đó có 2ha đang thời kỳ kinh doanh, 2ha mới trồng, loại nào cũng cần nhiều nước”. 
 
Những hộ trồng cà phê ở xã Sơn Lâm cũng tỏ ra lo lắng với dự báo về hạn hán trong mùa khô năm nay. Ông Nguyễn Văn Viên - hộ trồng cà phê ở địa phương nói: “Cà phê ở Sơn Lâm phần lớn được trồng ở đồi dốc cao, lại xa nguồn nước nên phải bơm chuyền 2 - 3 chặng nước mới lên được rẫy. Trong khi đó, càng về giữa và cuối mùa khô thì nước sông Tô Hạp cứ cạn dần, các suối nhỏ trơ đáy, không biết nước sông có đủ để duy trì tưới cho cây cà phê và các loại cây ăn quả qua mùa khô năm nay hay không?”. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, toàn huyện hiện có 1.945ha cây hàng năm và 3.321ha cây lâu năm, trong đó chủ yếu là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nông dân trên địa bàn tất bật lo chống hạn cho cây trồng. Tuy nhiên, điều địa phương lo lắng nhất là nguy cơ thiếu nước trong cao điểm mùa khô, bởi theo dự báo, năm nay khả năng hạn hán sẽ kéo dài, diễn ra trên diện rộng. Trong khi đó, địa hình của Khánh Sơn lại đồi núi dốc, không có hồ chứa để tích trữ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên từ sông Tô Hạp, 20 nhánh suối lớn, nhỏ và hệ thống thủy lợi có lưu lượng thấp gồm 33 đập dâng và 5 kênh mương chưa có đập. Hiện nay, địa bàn đã bắt đầu vào mùa khô, nguồn nước trên hệ thống sông, suối đã giảm khá nhiều, nếu tiếp tục không mưa thì giai đoạn giữa vụ đông xuân đến vụ hè thu sẽ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nghiêm trọng.   
 
Khẩn trương phòng, chống hạn
 
Qua kiểm tra, rà soát của các địa phương ở Khánh Sơn, trong số 5.266ha cây trồng trên địa bàn thì diện tích sản xuất do các công trình thủy lợi phụ trách tưới chưa đến 100ha. Một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dọc theo sông Tô Hạp, ven các con suối chủ động được một phần nước tưới. Ngoài ra, còn nhiều diện tích thường xuyên bị thiếu nước do nắng nóng, hạn hán, thậm chí có diện tích phải bỏ vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chịu hạn. Cụ thể như: 230ha sầu riêng, cà phê tại Suối Cối, Suối Ngựa, Suối Mã (xã Sơn Lâm); 15ha cây trồng ở thôn Ka Tơ, thôn Suối Me (xã Ba Cụm Nam); 30ha sản xuất ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc); 50ha cây ăn quả, cây công nghiệp ở các xã: Sơn Trung, Sơn Bình. Ngoài ra, trong cao điểm mùa khô năm nay, Khánh Sơn dự kiến có 54ha đất sản xuất tại các xã: Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Bình, Sơn Lâm và Thành Sơn sẽ phải bỏ vụ do thiếu nước.
 
Để chống hạn cho diện tích sản xuất nông nghiệp, Khánh Sơn đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước tối đa, những diện tích không đủ nước tưới thì chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng ít tốn nước. Để tiết kiệm nước, địa phương tập trung hướng dẫn người dân áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm như: tưới luân phiên, tưới phun mưa…, hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đang tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng nước tiết kiệm, ngăn chặn các trường hợp tự ý chặn, đào kênh lấy nước tưới không theo kế hoạch… Các địa phương cũng tập trung sửa chữa, nạo vét các đập dâng, đập bổi và đắp đập tạm để trữ nước; tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; tận dụng nguồn nước từ sông, suối, ao, hồ, đào ao tích nước để chống hạn; ở những nơi có nước ngầm thì tiến hành khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt…
 
Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, nhận định hạn hán mùa khô năm nay sẽ diễn ra gay gắt, UBND huyện đã sớm chỉ đạo công tác phòng, chống hạn tại các địa phương để chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tới đây, UBND huyện sẽ tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác chống hạn ở các địa phương. Trước mắt, tập trung kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn ở những địa phương có nguy cơ xuất hiện hạn hán sớm, tiếp đến là các xã Sơn Bình, Sơn Lâm nơi tập trung nhiều diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước thì sẽ ưu tiên nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp.

Tác giả bài viết: HẢI LĂNG

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây