. Nơi dòng sông chảy ngược
Tôi ngược lên Khánh Sơn trong chút hanh hao của những ngày cuối năm. Vừa đổ xuống chân đèo đã nhìn thấy xa xa dòng Tô Hạp miệt mài chảy mãi về phía tây. Theo lẽ thường, các dòng sông chảy xuôi từ tây sang đông nhưng Tô Hạp chảy ngược về phía mặt trời lặn. Từ Ba Cụm Nam, quay về Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi đổ về Ninh Thuận. Vừa qua mùa mưa, dòng sông Tô Hạp không lắm thác nhiều ghềnh nhưng vẫn dội về sâu trong lòng đất mẹ những hợp âm của nước, của núi rừng với sự kỳ vĩ và bền bỉ đến lạ thường.
Còn nhớ, lần đầu chạm ngõ “thung lũng tử thần”, tôi đã ngạc nhiên khi thấy chỉ cách Nha Trang chừng 100km, nhưng thị trấn miền sơn cước này lại có rừng thông, có chút se lạnh nhang nhác khí hậu Đà Lạt. Không chỉ chuyện hình sông thế núi mà còn cả chiều sâu văn hóa lịch sử của mảnh đất này. Khánh Sơn không chỉ là quê hương của đàn đá, mà còn là vùng đất thiêng cất giữ kho báu văn hóa truyền thống Raglai. Chính ở mảnh đất này, lần đầu tiên tôi nghe các nghệ nhân biểu diễn mã la, hát các làn điệu dân ca trong lễ ăn mừng lúa mới. Trong một đêm trăng, tôi đã nghe nghệ nhân Cao Thị Quang hát sử thi Amã Chilang (Chàng Chilang) trong căn nhà nhỏ ở Thành Sơn. Bên bếp lửa, người nghệ nhân quên hết thời gian để hồn vào câu chuyện từ thuở hồng hoang với những cuộc đấu tranh của người anh hùng với các thế lực siêu nhiên, cuộc chiến gìn giữ sự yên bình cho bản làng… Và cũng ở mảnh đất này, tôi đã nghe kể du kích Năm Acho dùng tên độc bắt chết tên Thiếu úy Trần Châu, bẻ gãy cả trận càn của một trung đội lính bảo an; chuyện anh hùng Bo Bo Tới dùng súng trường bắn cháy trực thăng địch, góp phần làm nên huyền thoại “thung lũng tử thần” những năm kháng chiến chống Mỹ. Lắm khi tôi nghĩ, chính những câu chuyện sử thi đã tiếp thêm niềm tin để những người anh hùng như: Bo Bo Tới, Năm Acho… vững tâm diệt giặc. Hiện nay nghệ nhân Cao Thị Quang đã yếu lắm rồi!. Những bản sử thi mà bà kể đã được các nhà nghiên cứu ghi lại, nhưng con cháu của bà không ai hát được. Cứ nghĩ ngày nào đó, bà khuất núi mang theo những bản sử thi về rừng mà tiếc cho mảnh đất này…
. Tiềm năng đang dần khai mở
Gần 20 năm qua, kể từ lần đầu tiên ấy, tôi đã nhiều lần quay trở lại Khánh Sơn, chứng kiến mảnh đất này trở thành “miền quả ngọt” khi cây sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường được trồng thử nghiệm rồi trở thành đặc sản. Giờ thì tôi đang ngồi nơi quán nhỏ của phố núi để thưởng thức ly cà phê thơm nồng trong không khí se lạnh của miền sơn cước. Ngồi cạnh tôi là nhóm phượt đi chơi thác Tà Gụ dừng chân ghé lại. Thiều Văn Sang - anh chàng dẫn nhóm đã gần như quen mặt với mảnh đất này. Theo Sang, ngoài thác Tà Gụ, Khánh Sơn còn nhiều cảnh đẹp khác như: thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), khu vực Suối Đá (xã Ba Cụm Bắc), các thác nước ở Tà Giang (Thành Sơn)... Những tấm hình chụp ở các thắng cảnh này được những bạn trẻ ưa khám phá, trải nghiệm rất thích thú. Năm 2019, Sang đã tổ chức một số tour du lịch phượt khám phá cung đường treckking ở Tà Giang, mở đầu cho các tour du lịch khám phá núi rừng Khánh Sơn!.
Ước mơ làm du lịch không còn xa xôi với Khánh Sơn nữa khi một số đơn vị lữ hành đã khảo sát để lên tour; chính quyền địa phương cũng rất quyết tâm với định hướng phát triển du lịch sinh thái. Để phục vụ du lịch, huyện đã nâng cấp, sửa chữa đường giao thông lên thác Tà Gụ; khảo sát, xác định những khu vực có các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng; phục dựng các lễ hội truyền thống, khôi phục lại nghề đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, tổ chức các đội mã la…
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn rất “sốt sắng” với câu chuyện làm du lịch nơi đây khi đã đem giống hoa tam giác mạch từ Hà Giang về gieo trồng thử nghiệm, mời các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát. Chính ông đã đưa ra ý tưởng tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn để hiện thực hóa định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng khu du lịch sinh thái để phục vụ du khách… “Chỉ nay mai thôi, người ta sẽ không chỉ biết đến Khánh Sơn như một huyện miền núi xa xôi, khó khăn của Khánh Hòa mà còn biết đến nó như một địa danh du lịch sinh thái”, ông Nhuận nói với vẻ phấn khởi.
Nói vậy, nhưng để biến ước mơ đó thành sự thật vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Chia tay Khánh Sơn, tôi vẫn canh cánh với niềm mong mỏi của đồng bào nơi đây, đó là Tỉnh lộ 9 nối Cam Ranh - Khánh Sơn sẽ sớm được đầu tư mở rộng, để việc vận chuyển nông sản cho bà con được thuận lợi hơn, khách du lịch cũng dễ dàng đến với “miền quả ngọt”!.
Nguồn:https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202001/nguoc-ngan-khanh-son-8147265/
Tác giả bài viết: Xuân Thành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...