Tên hồ sơ khoa học: Căn cứ địa Cách mạng Tô Hạp; tên thường gọi của di tích: Thung lũng Tô Hạp; tên gọi khác: Thung lũng Tử Thần.
Ý nghĩa tên gọi: lưu vực sông chảy qua địa bàn huyện Khánh Sơn có rất nhiều cây Tô Hạp. Đây là loại cây có mủ dùng làm dược liệu. Do vậy, người dân địa phương đặt tên địa danh là Tô Hạp. Đây là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi chính là Đá Bia (YaBi) và Shoung Khong, YaBio… Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tô Hạp được chọn là căn cứ cách mạng, là đại bản doanh tập trung nhiều cơ quan lớn của tỉnh ủy Khánh Hòa, các lực lượng vũ trang của khu 5 và tỉnh Khánh Hòa.
Từ thành phố Nha Trang, đi đường quốc lộ I vào Sài Gòn, đến thị xã Cam Ranh, rẽ phải theo đường tỉnh lộ 9, đi khoảng 35 km là đến thị trấn Tô Hạp – một trong những căn cứ cách mạng của Căn cứ địa Cách mạng Tô Hạp. Từ đây, từ đây chúng ta đến các căn cứ còn lại.
Căn cứ địa Cách mạng Tô Hạp nằm trên vùng rừng núi huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, dọc theo lưu vực sông Tô Hạp, thuộc hai xã Ba Cụm, Sơn Bình và thị trấn Tô Hạp.
Với vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông liên lạc quan trọng của Liên Khu V và Trung ương, cửa ngõ ra vào của cao nguyên. Mặt khác, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp còn là một vị trí quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, bởi nó nằm ở vị trí đối diện với căn cứ quân sự Cam Ranh – căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Liên Tỉnh ba (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa), Liên Khu V và tỉnh Khánh Hòa đã chọn địa bàn Khánh Sơn để xây dựng thành căn cứ địa Cách mạng hoàn chỉnh, làm chỗ dựa để mở rộng phong trào cách mạng và bàn đạp chống Mỹ - Ngụy trên địa bàn Nam Trung bộ.
Những cụm di tích chính tạo thành Căn cứ địa cách mạng được phân bố ở những địa bàn sau:
- Khu vực Suối Giá, xã Ba Cụm hiện nay;
- Khu vực Tô Hạp, thị trấn Tô Hạp hiện nay;
- Khu vực xóm Cỏ, xã Sơn Bình hiện nay.
1. Khu vực Xóm Cỏ.
Nay thuộc thôn 2, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Đây là khu vực quan trọng nhất của di tích vì đây là đại bản doanh, tập trung nhiều cơ quan lớn của Tỉnh uỷ Khánh Hoà, các lực lượng vũ trang của Khu V và tỉnh Khánh Hoà như Tiểu đoàn 120, Đại đội 254…; cơ quan chỉ đạo của Khu VI trong những năm 1959 đến 1963. Địa hình khu vực này hiểm trở với nhiều đỉnh núi cao bao bọc xung quanh như núi Cha Á, Gia Ngeo ở phía Nam, núi Dốc Gạo, Cha Pá ở phía Đông, phía Bắc có một số ngọn đồi che chắn.
Vị trí các cơ quan Tỉnh uỷ Khánh Hoà đóng là khu vực suối Sóc (thường gọi là Gộp Cu). Khu vực này nằm giữa hai sườn núi Chang, thuộc dãy Cha Á và núi Gia Ngeo. Hai bên sườn núi là rừng cây nguyên sinh với nhiều gộp đá lớn, cho nên các cơ quan của Tỉnh uỷ Khánh Hoà thường lợi dụng điều kiện tự nhiên này để trú ngụ và hoạt động.
Phía Bắc cách vị trí các cơ quan Tỉnh uỷ Khánh Hoà đóng khoảng 400m là đại bản doanh của Tiểu đoàn 120, lực lượng vũ trang chủ lực của Liên khu V bổ sung cho chiến trường Khánh Hoà. Tiểu đoàn này nằm gọn trong thung lũng Pa Rí, có địa hình tương đối bằng phẳng. Cách 300m về phía Đông là núi Cha Á, sườn phía Bắc chính là nơi Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã tổ chức cuộc họp mở rộng năm 1959 nhằm quán triệt và bàn biện pháp vận dụng Nghị quyết 15 khoá 2 của Trung ương Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Năm 1961, khi Khu VI thành lập gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Đắc Lắc, một bộ phận cơ quan chỉ đạo của Khu VI gồm liên tỉnh Ninh Thuận Khánh Hoà – Khánh Hoà cũng đóng ở đây. Khi chọn khu vực này, cơ quan chỉ đạo Khu VI cũng lợi dụng địa hình tự nhiên, chọn các gộp đá tại sườn núi để trú ngụ và làm việc.
Từ đại bản doanh cơ quan chỉ đạo Khu VI, chếch về hướng Đông Bắc khoảng 500m là sườn núi Dốc Gạo và núi Cha Pá. Dưới chân hai ngọn núi này là suối Cha Pú, nơi trú chân của Trường Chính trị và Văn hoá tỉnh Khánh Hoà do đồng chí Đặng Nhiên (A Nhiên) và đồng chí Nguyễn Thư phụ trách những năm 1960 – 1963. Cũng chính khu vực này năm 1960 đã diễn ra Đại hội dân tộc khu Ái – Vĩnh – Sơn (huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận và huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hoà) có trên 200 đại biểu tham dự.
Đối diện với khu vực Xóm Cỏ là trận địa pháo của địch tại đồi Cô Lắc và Pa Ná ở phía Bắc sông Tô Hạp, cách khu vực Xóm Cỏ khoảng 4km theo đường chim bay. Hai cao điểm pháo của địch hiện nay thuộc thôn một, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.
Phía Bắc, giáp hai trận địa pháo của địch là dãy núi Lớn, người dân thường gọi là dãy Cha Lô lớn, Cha Lô nhỏ và ngọn Hòn Bà. Mỹ, Ngụy cho xây hai trận địa pháo theo kiểu dã chiến. Sau khi phá cây, san ủi mặt bằng, chúng bố trí các khẩu pháo, đồng thời cho rào một lớp kẽm gai thẳng xung quanh đồi Pa Ná và Cô Lắc để bảo vệ. Bên trong và ngoài các khẩu pháo chúng còn cho đào một số công sự , mỗi công sự làm chỗ dựa cho khoảng ba tên địch ẩn nấp. Hiện nay, hai trận địa pháo đã trở thành phế tích do tre, nứa và cây rừng mọc che phủ.
2. Khu vực Suối Giá, xã Ba Cụm.
Đây là đại bản doanh của các cơ quan Huyện ủy Khánh Sơn từ năm 1960 – 1962, sau khi chuyển từ xã Sơn Trung về. Vị trí các cơ quan Huyện ủy đóng tại sườn Hòn Gầm gồm các ban: Kinh tài, Huyện ủy, Huyện đội… phía Đông giáp núi Gia Phung, phía Bắc là suối Dừa. Dưới chân núi Gia Phung ở phía Nam và chân Hòn Gầm có một số con suối nhỏ như suối A Thi, suối Giá là khu vực đã diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh Khánh Hòa và huyện Khánh Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước như: năm 1955 Huyện ủy Khánh Sơn tổ chức Hội nghị quán triệt và bàn biện pháp thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy; Năm 1957, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị mở rộng toàn tỉnh để đánh giá tình hình trong thời kỳ mới. Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra một số sự kiện tiêu biểu của huyện như: năm 1961 Đại hội dân tộc với 150 đại biểu tham dự; Tháng 2/1962 Đại hội Đảng bộ đầu tiên diễn ra với 47 đại biểu tham dự…
Năm 1963, do sự càn quét mạnh mẽ của Mỹ - Ngụy, để đảm bảo an toàn, bí mật và chủ động chống càn, các cơ quan của huyện Khánh Sơn đã chuyển về huyện Tô Hạp và lấy đây làm đại bản doanh cho tới khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
3. Khu vực Tô Hạp.
Đây là khu vực quan trọng nhất, tập trung nhiều cơ quan, lực lượng vũ trang kháng chiến của huyện Khánh Sơn từ những năm 1960 đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dành thắng lợi.
Sau khi chuyển từ khu vực suối Giá – Ba Cụm về vùng Tô Hạp, các cơ quan và lực lượng kháng chiến của huyện Khánh Sơn đã chọn vùng lưu vực suối Tô Hạp làm nơi đóng quân của mình. Xung quanh khu vực này có nhiều đỉnh núi lớn bao bọc như Dốc Gạo, La Bin ở phía Bắc; Hòn Gầm, Hòn Hầm ở phía Đông; Gia Uy, Đá Trào ở phía Tây; Lỗ Hang ở phía Nam… Khu vực này có nhiều suối là điều kiện lý tưởng cho các cơ quan, lực lượng vũ trang hoạt động, chống càn.
Vị trí cơ quan Huyện ủy Khánh Sơn đóng tại sườn núi Dốc Gạo và La Bin. Phía Tây và phía Bắc là núi bao bọc, phía Đông Nam là thung lũng Tô Hạp (hay còn gọi là Thung lũng Tử thần
Từ khu vực này theo dòng suối Tô Hạp ngược về phía Nam khoảng 5km là tới khu vực Trường Chính trị và Trường Bổ túc Văn hóa của huyện Khánh Sơn những năm 1960 – 1963. Vị trí này khá bằng phẳng, phía Tây có núi Gia Uy, Đá Trào che chắn; phía Đông là dòng sông Tô Hạp, xa xa có núi Hầm và Hòn Gầm che chở.
Phía Đông của hai trường trên là Bệnh xá huyện Khánh Sơn. Bệnh xá nằm ở khu vực có nhiều cây cổ thụ lớn che chắn, ở giữa có dòng suối Ba Nóc chảy từ Hòn Gầm xuống. Phía Nam Bệnh xá là núi Hầm (tên gọi này do những cán bộ hoạt động cách mạng đặt vì xung quanh núi có rất nhiều hang, là điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang cách mạng trú ẩn chống bom đạn của Mỹ - Ngụy). Đường liên lạc của Liên khu V và Trung ương đi qua ngọn núi này. Năm 1952, đồng chí Lê Duẩn trên đường ra Bắc công tác cũng đã dừng chân tại tại đây. Ngược suối Tô Hạp về phía Nam khoảng 400m là khu vực Hội trường của Tỉnh ủy Khánh Hòa những năm 1958 – 1960. Phía Bắc Hội trường là núi Hầm, phía Đông Nam là dãy Lỗ Hang, phía Tây là núi Gia Uy và dãy Lỗ Hang. Vị trí Hội trường cách suối Tô Hạp khoảng 70m về phía Tây. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy Khánh Hoà triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng và đưa ra các quyết định của Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Từ khi các đơn vị, cơ quan lãnh đạo của Liên Tỉnh ba, tỉnh Khánh Hòa, huyện Khánh Sơn… chọn thung lũng Tô Hạp làm căn cứ Cách mạng đã làm cho đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đồng bào các dân tộc Khánh Sơn thay đổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ Liên Tỉnh ba, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo phong trào yêu nước của đồng bào các dân tộc huyện Khánh Sơn phát triển mạnh mẽ, góp phần nhỏ bé vào thắng lợi chung của dân tộc. Với số dân chỉ trên 6.000 người, song Đảng bộ và nhân dân Khánh Sơn đã vươn lên xây dựng huyện nhà thành một căn cứ địa Cách mạng vững chắc ngay sát nách căn cứ quân sự Cam Ranh của Mỹ - Ngụy; Liên tiếp đánh bại các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù đối với miền núi, từ chính sách “Chinh phục Thượng du” tổ chức các ổ gum, lập “Ấp chiến lược” trong “Chiến tranh đặc biệt” đến chính sách hủy diệt căn cứ địa Cách mạng của ta bằng mọi lực lượng, mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của chúng.
Đặc thù của loại hình di tích là ngoài trời, nằm trong vùng rừng núi với diện tích rộng lớn, phân bố của các cụm di tích chính lại nằm rải rác, ngày trước chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên nên hiện nay dấu vết cũ hầu như không còn. Trải qua thời gian, cây cối mọc che phủ hoặc do người dân phát nương làm rẫy đã làm cho di tích mất dấu vết. Hiện chỉ còn một số hang, gộp nằm sâu trong rừng.
Năm 1995, để tăng cường công tác bảo vệ và sử dụng di tích, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định đăng ký bảo vệ di tích Căn cứ Tô Hạp tại quyết định số 2577/UB-QĐ ngày 05/10/1995.
Năm 1999, Trung tâm Quản lý di tích – Danh lam thắng cảnh Khánh Hòa đã tiến hành dựng bia di tích một số khu vực định khoanh vùng bảo vệ di tích.
Năm 2008, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định số 2855/UB-QĐ ngày 18/ 11/2008 xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm