Nơi chắp cánh cho những tài năng trẻ

Thứ hai - 30/10/2017 09:07
Hội thi tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) toàn quốc 2017 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tại Nha Trang đã bế mạc vào tối 27-10. Hội thi đã trở thành ngày hội văn hóa đa sắc màu với nhiều cánh hoa - tài năng trẻ tươi thắm...

Ngày hội của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật

Trong 6 ngày thi diễn, 34 cơ sở đào tạo VHNT trên toàn quốc đã trình diễn hơn 200 tiết mục nghệ thuật hấp dẫn. Bên cạnh những loại hình sân khấu truyền thống chèo, tuồng, cải lương, những trường còn mang đến hội thi những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như: dân ca quan họ, hát ví dặm xứ Nghệ, ca Huế, văn hóa Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ, biểu diễn nhạc cụ rất độc đáo. Trong đêm bế mạc, khán giả Nha Trang đã được thưởng thức nhiều tiết mục xuất sắc như: Kukkong Protok Premai (tốp ca nam của Trường Trung cấp VHNT Gia Lai), độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân (Lâm Thị Kim Hồng - Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai), trích đoạn chèo Đôi lứa xứng đôi (Trường Trung cấp VHNT và Du lịch Hải Dương). Trường Đại học Khánh Hòa đã đem đến hội thi tiết mục múa Tỏa hương trầm (tập thể) mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương…

Với hơn 1.000 học sinh và sinh viên, 200 giảng viên tham gia, hội thi là ngày hội văn hóa của giảng viên, học sinh, sinh viên các trường VHNT trên toàn quốc.  Đánh giá về hội thi, bà Lê Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết: “Đây là hội thi có số đơn vị tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Chương trình của các trường đều có sự đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện được bản sắc văn hóa vùng miền cũng như thế mạnh đào tạo chuyên sâu của mình”.
 

kh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên trao giải chương trình xuất sắc

Phát hiện nhiều tài năng trẻ

Hội thi tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc được tổ chức 2 năm/lần nhằm tìm kiếm các tài năng trẻ về nghệ thuật; tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường VHNT. Theo đánh giá của Ban giám khảo, chất lượng chương trình tham gia hội thi lần này được nâng cao rõ rệt so với kỳ trước. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao có thể biểu diễn trước công chúng trong nước và quốc tế. Hội thi cũng đã xuất hiện những tài năng nghệ thuật trẻ có trình độ xuất sắc, chứng tỏ sự đào tạo công phu, sự lao động nghệ thuật quên mình của các em. Cụ thể, về mảng thanh nhạc, NSƯT Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Năm nay, thanh nhạc khá đồng đều về tất cả các dòng như: thính phòng, nhạc nhẹ và dân gian. Bên cạnh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, các trường trung cấp, cao đẳng ở địa phương cũng có nhiều nhân tố nổi bật, nhất là những mảng dân gian và nhạc nhẹ. Đơn cử như trường của Gia Lai và Thanh Hóa”. NSND Thanh Tâm cũng đánh giá khá cao về mảng nhạc cụ dân tộc ở hội thi lần này như: độc tấu đàn t’rưng Mùa hái quả của Đào Hồng Hạnh - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân của Lâm Thị Kim Hồng - Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai... Nhiều em đã có sự đào luyện về kỹ năng biểu diễn, mang dáng dấp của các nghệ sĩ thực thụ. Những lĩnh vực như sân khấu, múa cũng có nhiều tài năng trẻ.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải xuất sắc cho 9 tập thể (trường). Về giải tiết mục, có 47 giải nhất, 52 giải nhì, 30 giải ba và 9 giải khuyến khích. Nhân dịp này, Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen cho 34 đơn vị tham gia hội thi; khen thưởng các giáo viên có học sinh đạt giải nhất tại hội thi.

Dù đã có nhiều thành công,tuy nhiên, theo GS.TS Trần Thu Hà nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Ban tổ chức những kỳ thi tới cần quy định chặt chẽ hơn về tiêu chí mang tính chất cuộc thi tài năng trẻ; xây dựng chương trình cần phân biệt rõ thi tài năng và thi tiết mục; cần có những tác phẩm  dành riêng để các tài năng thể hiện. Trong việc tổ chức hội thi cần đầu tư hệ thống âm thanh điện tử để giữ được âm sắc tự nhiên của các giọng hát và các loại nhạc cụ dân tộc cũng như cổ điển phương tây. Đồng thời, Ban tổ chức nên kết hợp việc tổ chức hội thi với hội thảo tìm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật của các trường.


Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Kết quả hội thi lần này sẽ được Ban Chỉ đạo đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030” làm căn cứ để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, nhất là việc tuyển chọn đào tạo tài năng ở trong và ngoài nước để bổ sung nguồn lực cán bộ giảng dạy, nghệ sĩ giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển VHNT của đất nước. Các trường, địa phương cần quan tâm, chắp cánh cho những tài năng trẻ, để các em có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ngành văn hóa; làm nguồn cho đào tạo tài năng đỉnh cao.

Tác giả bài viết: XUÂN THÀNH

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây