Thêm thắm tình đoàn kết các dân tộc

Thứ bảy - 21/04/2018 15:06
Trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đại diện cho 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau tụ hội. Đến đây, mọi người được gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau đua tài và trao cho nhau những lời ca, điệu múa đặc trưng của đồng bào mình.

Hàng năm, cứ đến ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh lại háo hức, sôi nổi chuẩn bị các hoạt động văn nghệ, thể thao. Năm nay, sự kiện này được tổ chức ở thị xã Ninh Hòa trong 2 ngày 19 và 20-4 với quy mô được mở rộng và có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hơn. Hơn 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và hàng trăm cổ động viên đã tụ hội về. “Đây là lần thứ 4 tôi tham gia ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đến đây, tôi được gặp gỡ nhiều người, biết thêm nhiều điều hay. Thời gian qua, các thành viên trong đoàn đều nỗ lực tập luyện để có thể mang đến những phần thi tốt nhất”, chị A Đắc H’Nham - người dân tộc Ê Đê ở Khánh Vĩnh cho biết. Đối với ông Cầm Văn Xuyên (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh), mỗi lần đến ngày này, ông đều thu xếp công việc để tham gia. Đến đây, ông có điều kiện gặp lại những người bạn, thăm hỏi, hàn huyên với nhau...

Một trò chơi dân gian do các thành viên đoàn TP. Cam Ranh thực hiện.

Đến với không gian ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, mọi người được cùng hòa mình với bầu không khí thi đấu nhiệt tình, sôi nổi của các vận động viên qua những môn thi: bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, chạy việt dã, trò chơi dân gian. Khu vực sân khấu chính lại thu hút mọi người bởi những tiết mục thi diễn văn nghệ. Những lời ca, điệu múa, tiếng đàn đá, tiếng mã la… cứ nối nhau kéo dài thêm niềm vui ngày gặp mặt. “Đến xem các vận động viên thi đấu thể thao, các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn văn nghệ, tôi đã biết thêm về những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh mình”, chị Nguyễn Thị Kim Loan - phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa) cho biết.

Bên cạnh đó, không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền của mỗi địa phương cũng giúp cho người dân biết hơn về đời sống, sinh hoạt các dân tộc. Ở đó, có những loại trái cây đặc sản của huyện Khánh Sơn; những sản vật đến từ núi rừng Khánh Vĩnh; những nông sản của thị xã Ninh Hòa… Khu chợ quê là nơi thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nơi đây, mọi người được thưởng thức món bún cá Ninh Hòa, bánh căn Nha Trang, bánh xèo Diên Khánh, cơm lam, thịt lam Khánh Sơn, rượu cần Khánh Vĩnh.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, việc đăng cai phối hợp tổ chức ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để thị xã quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, thị xã có 16 dân tộc đang sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 5.123 người. Mỗi dân tộc trong cộng đồng đều có những nét đặc trưng riêng về văn hóa, tập tục, tập quán, tín ngưỡng, đã và đang góp phần tạo nên diện mạo chung phong phú của nền văn hóa thị xã Ninh Hòa. Thời gian qua, phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ trong vùng đồng bào các dân tộc có sự phát triển tích cực. Một số lễ hội, các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống dần được khôi phục, duy trì, phát triển.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong nhiều năm liên tiếp tổ chức, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến đây, mọi người có dịp thể hiện tài năng của mình thông qua các phần thi đấu thể thao, thi diễn nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng hơn, hoạt động này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc. Đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp có dịp nhìn nhận lại công tác gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Tác giả bài viết: Giang Đình

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây