Xẩm xưa còn lại chút này...
Hát xẩm ra đời từ khoảng thế kỷ XIV, nở rộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và xuất hiện ở Hà thành cũng vào thời điểm ấy. Nếu như xẩm ở thôn quê thường theo hai sắc thái dí dỏm hoặc buồn thương, thì xẩm Hà Nội mang nét riêng của phố thị, có lẽ là để hợp với sự gấp gáp của những chuyến tàu điện hay phiên chợ phố… Tuy nhiên, qua bao biến thiên của thời gian, bộ môn nghệ thuật này có lúc tưởng như đã thất truyền.
|
Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn hát xẩm. Ảnh: Linh Ngọc |
May thay, mươi năm trở lại đây, xẩm dần dần được khơi mạch trở lại, thậm chí, đang trở nên “hot” trong "thực đơn" âm nhạc của người Hà Nội. Đó là nhờ nỗ lực của khá nhiều người, trong đó, phải kể đến nguồn cơn từ Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thành lập năm 2006. Nhạc sĩ Thao Giang khi ấy là người đi đầu, cùng với NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long… mày mò nghiên cứu, phục hồi nghệ thuật hát xẩm. Họ tìm gặp các nhà nghiên cứu để sưu tầm tư liệu, lặn lội về khắp các làng quê gặp nghệ nhân còn sót lại, kiếm học trò của những ông, bà trùm một thời nhằm ghi lại các bài xẩm xưa. Vốn nghiên cứu đầy dần, các nghệ sĩ tập luyện, bắt đầu tổ chức biểu diễn.
Sau này, mỗi thành viên nhóm nghiên cứu của trung tâm có hướng riêng. Họ tách ra hoạt động với chung mục đích phát triển xẩm trong cộng đồng. NSND Xuân Hoạch cùng với NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Bình… lập nhóm Đông Kinh cổ nhạc, chuyên biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, ca trù, xẩm... Nhạc sĩ Thao Giang vẫn thầm lặng gắn bó với Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nay ở cương vị giám đốc. Nhóm xẩm của trung tâm đều đều cất tiếng hát ở sân khấu trước cửa chợ Đồng Xuân vào các tối cuối tuần. NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ yêu nghệ thuật truyền thống khác lập nên nhóm Xẩm Hà thành, hoạt động khá năng nổ.
Giờ đây, ở Hà Nội, ngoài những nghệ sĩ tên tuổi kể trên còn có thêm nhiều gương mặt đến và ở lại với xẩm như nhạc sĩ Giáng Son, các nghệ sĩ Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Phạm Đình Ảnh, Phạm Trang…
... và xẩm mới trên làn điệu xưa
NSND Xuân Hoạch có lần nói: “Vì xẩm ra đời trong dân gian, sống nhờ dân gian nên bao giờ còn người nghe xẩm thì khi ấy nó còn sống”. Thế nhưng, xẩm “sống” thế nào trong thời đại hôm nay cũng là một câu hỏi chất chứa nhiều trăn trở. NSND Xuân Hoạch cùng Đông Kinh cổ nhạc giữ nguyên lối hát gốc, đưa những loại hình âm nhạc xưa ở đất Kinh kỳ, trong đó có xẩm biểu diễn trong lòng phố cổ hằng tuần. Bên cạnh những khán giả ưa hoài niệm, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” của nhóm khá hấp dẫn du khách quốc tế.
Còn Xẩm Hà thành, từ khi trở lại cho đến nay, nhóm xác định hướng đi ưu tiên là dòng xẩm Hà Nội, đặc biệt là “Xẩm tàu điện”, bởi nó mang hồn vía của mảnh đất Kinh kỳ, gắn với nhịp rung, lắc, tiếng leng keng khắp phố phường thuở chưa xa. Các bài hát dựa trên làn điệu này như “Lỡ bước sang ngang”, “Vui nhất Hà thành”, “Chân quê”, “Giăng sáng vườn chè”, “Tương tư”… được nhóm khai thác mạnh. Song song với việc sử dụng vốn cổ truyền, nhóm Xẩm Hà thành còn sáng tác nhiều bài xẩm mới dựa trên làn điệu xưa. Những tiết mục “Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm trà đá”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà thành”… mang đậm hơi thở đời sống hôm nay, đang được khán giả đón nhận nhiệt tình. Chính vì vậy, những đêm diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà… do Xẩm Hà thành tổ chức bán vé khá chạy, dù giá cũng tương đương một đêm nhạc trẻ. Chiếu xẩm của nhóm ở đền thờ Vua Lê Thái Tổ, nằm trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối mỗi tuần luôn thu hút đông đảo du khách. Nhóm Xẩm Hà thành giữ vững nguyên tắc “sáng tạo đến cỡ nào thì mỗi bài mới vẫn phải giữ được cái hồn của xẩm Hà Nội xưa, là nhịp sênh uyển chuyển, là tiếng nhị ngọt ngào, là lời ca tinh tế như thủ thỉ, tâm tình”. Bởi vậy, không ít lần các nghệ sĩ của nhóm được mời sang Pháp, Đức, Mỹ nói chuyện, biểu diễn xẩm trước những học giả, nhà nghiên cứu văn hóa nước bạn và bà con xa xứ...
Rõ là, nghệ thuật hát xẩm hoàn toàn có triển vọng sống trong thời đại ngày nay. Từ con số 0, các nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa xẩm trở lại, đặc biệt là dòng xẩm độc đáo hiện diện dáng vẻ Kinh kỳ một thời - xẩm Hà Nội.