Các làn điệu dân ca từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trải dài đến vùng Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được các nghệ nhân trực tiếp mang đến cuộc hội ngộ của những “bản sắc truyền thống”. Trong những cuộc họp liên quan, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy - Trưởng ban Tổ chức ngày hội luôn nhấn mạnh đến việc mỗi địa phương phải làm sao để “triệu hồi” cho được nghệ nhân của các loại hình văn hóa phi vật thể đến với ngày hội. Bởi, ngày hội dành để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền Trung, để những nghệ nhân từ khắp các tỉnh thành gặp nhau, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời cùng ý thức việc phải bảo tồn bản sắc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mình. Chính vì vậy, điều đầu tiên đặt ra cho các đoàn tham dự ngày hội phải là sự góp mặt của những nghệ nhân cùng tài năng, tinh hoa họ đang sở hữu.
Góp bản sắc vùng miền
Tất bật luyện tập cho phần biểu diễn trong chương trình Liên hoan Văn nghệ quần chúng - một hoạt động chính trong chuỗi sự kiện, nghệ nhân Lữ Thị Loan (đoàn tỉnh Nghệ An) cho biết sẽ tham gia tiết mục hát dân ca “Hát Tơm của người Khơ Mú”. Nghệ nhân Lữ Thị Loan chia sẻ, trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Khơ Mú, làn điệu dân ca được ưa thích nhất là hát Tơm. Trong đời thường người Khơ Mú thường hát mộc (không có nhạc đệm) hoặc hát có tiếng đệm của sáo pí Tơm (loại sáo dọc bằng tre), cũng là loại nhạc cụ đặc trưng của người Khơ Mú. “Nghệ thuật hát Tơm mang đậm chất trữ tình, cách hát đối đáp giống như hát lý - nói lý của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Đồng thời cũng mang nét độc đáo ở chỗ ca từ trong câu hát do chính người hát ứng tác theo hoàn cảnh để bày tỏ cảm xúc, bộc lộ tâm trạng, thể hiện niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hy vọng của mình” - nghệ nhân Lữ Thị Loan nói. Được phân công phụ trách các tiết mục tham gia Liên hoan Văn nghệ quần chúng của ngày hội, ông Bùi Công Vinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An chia sẻ, ngày hội là cơ hội để giới thiệu với nghệ nhân các tỉnh và nhân dân Quảng Nam những nét đặc sắc của văn hóa phi vật thể mà đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đang sở hữu từ âm điệu Tăng boong, hát Tơm Khơ Mú, độc tấu sáo Mông do chính nghệ nhân của các dân tộc trình diễn.
Từ vùng đất Bình Thuận, các nghệ nhân của địa phương này mang đến liên hoan tiết mục hòa tấu mang chủ đề “Âm vang cội nguồn”. Với các nhạc cụ trống paranưng, trống ginăng, chiêng, lục lạc, kèn saranai, kanhi và mõ, hy vọng tiết mục hòa tấu này sẽ làm nên điều đặc biệt để kết nối các vùng văn hóa. Đây chính là những âm điệu đặc sắc của người Chăm thường biểu diễn trong những lễ hội. “Tiếng kèn saranai là tượng trưng cho âm tính, thường đi đôi với nhạc cụ khá mạnh mẽ, tượng trưng cho dương tính là trống ginăng. Sự giao hòa giữa trời và đất, tín ngưỡng phồn thực, ước mong sự sinh sôi nảy nở, hài hòa âm dương… lý giải cho sự kết hợp giữa các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm” - ông Nguyễn Tú Long, Giám đốc TT-VH tỉnh Bình Thuận chia sẻ. Các thanh âm tăk, tăm, tầm của nhịp trống paranưng, thêm những âm thanh khỏe khoắn của nhịp trống ginăng như tơk, ting, tik, cleng, glèng…, cùng tiếng kèn saranai réo rắt hòa trong điệu múa rija của những vũ nữ Chăm sẽ khơi mạch nguồn cảm xúc cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu các giá trị văn hóa Chămpa.
Tụ hội âm điệu
Từ các vùng miền, nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm, Raglai, Stiêng, Pa Kô, Bru - Vân Kiều,… cùng mang đến ngày hội những nhạc cụ truyền thống đầy màu sắc, vang vọng thanh âm của đại ngàn. Nghệ nhân Bo Bo Hùng (dân tộc Raglai, ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) cho hay, Khánh Hòa mang đến ngày hội bộ đàn đá và đàn chapi - hai trong số nhạc cụ được người Raglai lưu giữ khá nguyên vẹn, thường được sử dụng trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: hội làng ăn mừng lúa mới, nhà mới, hay cưới hỏi... Bộ đàn đá đoàn nghệ nhân Khánh Hòa trình diễn tại ngày hội được người Raglai phát hiện nằm sâu dưới lòng đất trên ngọn núi cao từ hàng chục năm trước. “Đến với lễ hội, chúng tôi sẽ kết hợp nghệ thuật đàn đá với các làn điệu dân ca truyền thống, nhằm mang đến cho người xem, người nghe những giai điệu mang âm hưởng mã la (một loại nhạc cụ gõ bằng đồng - PV) của đồng bào Raglai. Qua đó, cũng mong muốn được giới thiệu, quảng bá những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Raglai đến với anh em các dân tộc sinh sống trong khu vực, thông qua các hoạt động trình diễn nhạc cụ truyền thống, trình diễn trang phục, nghi thức lễ hội” - nghệ nhân Bo Bo Hùng chia sẻ.
Góp thêm sắc màu thanh âm cho ngày hội các dân tộc thiểu số, đoàn nghệ nhân tỉnh Quảng Trị cũng sẽ trình diễn hòa tấu 3 loại nhạc cụ truyền thống, gồm: đàn talư, toong và bộ khèn, đồng thời kết hợp với các vũ điệu và làn điệu dân ca của đồng bào Pa Kô. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, dân tộc Pa Kô, ở xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, Quảng Trị) cho hay, tất cả nhạc cụ mang đến ngày hội đều có xuất xứ từ rất lâu đời, với nhiều câu chuyện gắn với tên gọi, mục đích sử dụng. Như bộ toong, trước đây được người phụ nữ tên Toong phát hiện, sáng chế ra trên một căn chòi rẫy, khi tình cờ đục những khúc gỗ ra để đánh chơi. Thật không ngờ, khi gõ những khúc gỗ này lại phát ra âm thanh nghe rất dễ chịu, đầy cảm xúc với 9 sắc thái âm thanh khác nhau, tương ứng với 9 khúc gỗ tạo thành bộ đàn. Từ đó về sau, nhạc cụ toong được nhân rộng trong cộng đồng người Pa Kô và được lấy theo tên của người đã sáng chế ra. “Sau này, khi loại nhạc cụ này phát triển rộng khắp, đồng bào mang ra kết hợp với nhạc cụ atoọc và apôông kset để biểu diễn tại các dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội truyền thống. Cùng với các chương trình nghệ thuật khác, chúng tôi sẽ mang các loại nhạc cụ này để trình diễn tại ngày hội, như một dịp hòa chung, hội tục với sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em” - nghệ nhân Kray Sức nói.
Tác giả bài viết: SONG ANH - ALĂNG NGƯỚC
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...