Những cung đường biển tuyệt đẹp ở Việt Nam nhất định bạn phải đến một lần

Thứ sáu - 25/08/2017 05:30
Vốn mê mẩn trước những cảnh đẹp của đất nước, trên chuyến hành trình xuyên Việt diễn ra tháng 7 vừa rồi, chúng tôi đã được đắm mình trên những cung đường biển tuyệt đẹp mà tôi nghĩ bạn nên đến một lần trong đời.

Bàu Trắng - Phan Rí Cửa

Cách TP Phan Thiết 65km về phía Đông Bắc, cung đường Bàu Trắng - Phan Rí cửa được mệnh danh là cung đường biển độc, lạ nhất của Việt Nam.
 


Với chiều dài khoảng hơn 20km, một bên là đồi cát trắng, một bên là biển, kết hợp với không gian rộng mênh mông, cung đường này giống như một dải lụa ngoằn ngèo vắt qua sa mạc.

Khi đến đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một khung cảnh tưởng như chỉ có ở các nước Trung Đông, Bắc Phi.

Một “tiểu sa mạc Sahara” dường như đang nằm nghiêng ngả bên cạnh bờ biển tuyệt đẹp của Bình Thuận. Nơi đây cũng đã từng trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Có bao giờ yêu nhau, Đồi cát trắng….
 


Điều đặc biệt trên cung đường này là có hai hồ nước rất rộng tên là Bàu Ông (hay còn gọi là Bàu Trắng ) và Bàu Bà (Bàu Sen) nằm chếch đối diện nhau.

Theo truyền thuyết của người Chăm kể lại, Bàu là một cổng sông chạy thẳng ra biển nhưng sau này bị cát lấp nên chia thành hai hồ.

Một truyền thuyết khác kể xưa kia nơi đây là một hồ lớn nhưng sau đó người dân đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để đi qua. Từ đó nó bị chia thành 2 phần: tiểu hồ và đại hồ.

Ngay tại điểm giáp nối giữa Bàu Ông và Bàu Bà là ngôi chùa Bình Nhơn đang được xây dựng ngay bên cạnh ngôi chùa cổ. Đi qua con đường, chúng ta sẽ thấy một bức tượng phật Quan Thế Âm đang đứng sững sờ giữa đồi núi như đang đem lại sự bình an cho vùng đất đầy nắng gió này.

Tượng Quan thế âm bên hồ Bàu Sen.

Quy Nhơn - Nha Trang

Nếu có con đường nào làm chúng tôi phải trầm trồ, rung động thì tôi xin chọn cung đường Quy Nhơn - Nha Trang. Cung đường biển này dài khoảng hơn 200km, trải qua rất nhiều bãi biển và địa danh nổi tiếng như Mộ Hàn Mặc Tử, Ghềnh Ráng, Nhà Thờ Mằng Lăng, Ghềnh Đá Dĩa, Bãi Xép, Đèo Cả, Mũi Đại Lãnh, Vịnh Tuy Phong….

Vùng biển thơ mộng trên đoạn từ Quy Nhơn sang Phú Yên.

Ở cung đường này, biển rất đẹp, nước trong xanh, khung cảnh thơ mộng. Đặc biệt là đoạn đường từ TP Quy Nhơn qua con đường Hàn Mặc Tử và con dốc Mộng Cầm.

Một bên là núi, một bên là biển, một cảnh đẹp đúng chất trữ tình khiến những lữ khách từ nơi xa đến như chúng tôi không khỏi xuyến xao.


Vừa phải rung động trước vẻ đẹp trữ tình, tiếp tục đi trên con đường này một đoạn nữa, chúng ta sẽ bắt gặp Ghềnh Ráng, một quần thể sơn thạch thuộc dãy núi Xuân Vân.

Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Từ Ghềnh Ráng, chúng ta có thể ngắm nhìn gần trọn hết vẻ đẹp đầy sức sống của TP biển Quy Nhơn.

Và cảm giác thật tuyệt vời khi vượt qua Đèo Cả. Với độ dài khoảng 13km, Đèo Cả nằm ngoằn ngèo, uốn lượn qua núi Đại Lãnh.

Một góc nhìn từ Đèo Cả.

Khung cảnh ở đây là sự pha trộn đầy màu sắc giữa màu xanh dương của biển cả, màu xanh lá của núi rừng, màu nâu xám của những ngôi nhà, tảng đá ven biển, màu đỏ, màu vàng của hoa dại bên đường. Tất cả trộn lẫn trông như một bức tranh thủy mặc, rất cuốn hút.

Từ đỉnh đèo đi xuống, một cảm giác chưa bao giờ chúng tôi được trải nghiệm. Con đường xuống dốc vun vút tưởng chừng đâm thẳng xuống biển, rồi bỗng nhiên ngoắt sang phải, vắt sang trái, uốn lượn, vòng vèo liên tục.

Một trải nghiệm sẽ nhớ mãi cho bất cứ ai khi chinh phục con đèo này.

Vĩnh Hy - TP Phan Rang - Tháp Chàm

Cung đường này dài khoảng gần 40km bao quanh là vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là cung đường còn mang nhiều nét hoang sơ, một mặt là biển và 3 bề rừng núi bạt ngàn.

Vượt qua cung đường này, cảm giác như sức sống tuổi trẻ của chúng tôi căng tràn thêm. Thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp của núi rừng và biển cả như ôm trọn, hòa quyện vào nhau tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc.

Vĩnh Hy một trong những cung đường biển đẹp nhất của Ninh Thuận.

Và tác phẩm nghệ thuật phải kể đến đó là Hang Rái. Với địa hình độc đáo, bãi san hô cổ, lồi lõm tạo thành nhiều hình dạng khác nhau. Các mảng rêu mọc đầy trên san hô hiện ra dưới làn nước trong vắt.

Nhìn từ xa như những tảng ngọc xanh khổng lồ vô cùng độc đáo. Ngắm hình ảnh đầy vẻ ma mị, kỳ bí của rêu và sóng hòa quyện ở Hang Rái, chúng tôi không ngớt trầm trồ trước tuyệt tác của thiên nhiên.

Hang Rái với những bề mặt xù xì, ma quái.

 

Cung đường Vĩnh Hy với phong cảnh hữu tình.

Đèo Cổ Mã - Cực Đông

Và một cung đường biển vô cùng ấn tượng nữa phải kể đến đó là cung đường từ Đèo Cổ Mã ra Cực Đông. Với chiều dài khoảng hơn 20km, thuộc bán đảo Đầm Môn, cung đường này ôm cua lấy biển xanh mát và những cánh rừng nguyên sinh.

Trên cung đường ngoằn ngèo từ Đèo Cổ Mã ra Cực Đông, chúng ta có thể tận hưởng không khí trong lành và khám phá khung cảnh đơn sơ của làng chài Đầm Môn. Không ồn ào, vội vã, thay vào đó là một cảm giác yên bình, giản dị, là điều chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến đây.

Con đường ra cực Đông.
Xóm làng chài Đầm Môn yên bình vào lúc thủy triều đang xuống.
Không gian thoáng đãng trong lành.

Nơi đây chỉ có tiếng sóng biển dập dồn và bầu trời rộng lớn. Một bên là biển xanh sóng lặng, một bên là núi xanh trùng điệp và những tảng đá khổng lồ đủ mọi hình thù.

Cùng với đó, là khoảnh khắc không thể quên được khi được ngắm những ánh nắng bình minh đầu tiên của Việt Nam tại nơi này.

Được trải nghiệm và ghi dấu chân trên những cung đường biển tuyệt đẹp của đất nước là điều vô cùng ý nghĩa đối với chúng tôi.

Thiên nhiên kỳ vĩ với biết bao tuyệt tác chắc chắn sẽ làm đốn lòng những lữ khách mê cảnh đẹp. Một lần đi là một lần vấn vương, một lần đi là một lần nhớ thương, nhớ mãi từng khoảnh khắc trên những cung đường biển đa sắc màu của quê hương Việt Nam.

Tác giả bài viết:  Theo Dương Hưng/Reatimes

Nguồn tin: tieudungplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây