Nỗ lực bảo tồn
Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh, thành phố ở khu vực duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) được tham gia xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của Viện Âm nhạc (đơn vị chủ trì), Khánh Hòa rất có trách nhiệm trong việc phối hợp xây dựng hồ sơ di sản bài chòi. “Khánh Hòa luôn nằm trong tốp 3 tỉnh dẫn đầu cả về số lượng, chất lượng, tiến độ công việc. Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), tháng 1-2015, UBND tỉnh và Sở VH-TT đã nhanh chóng lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi”, PGS.TS Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, sở đã khảo sát thống kê về bài chòi; đưa bài chòi vào liên hoan nghệ thuật quần chúng; hỗ trợ các câu lạc bộ, nghệ nhân trong việc dạy bài chòi; làm phim tư liệu về di sản nghệ thuật bài chòi để tuyên truyền. Năm 2016, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã thực hiện chương trình Sân khấu học đường với bài chòi dân gian. Trong chương trình, các nghệ nhân đã giới thiệu với giáo viên, học sinh các trường THCS về lịch sử hình thành và phát triển của bài chòi, cách chơi bài chòi dân gian… Trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục sẽ đưa bài chòi vào giảng dạy trong trường học.
Theo PGS.TS Nguyễn Bình Định, Khánh Hòa hiện có số lượng nghệ nhân đứng thứ tư trong tổng số 9 tỉnh, thành có nghệ thuật bài chòi ở miền Trung. Đáng quý hơn, nghệ nhân bài chòi của Khánh Hòa có sự hài hòa về tỷ lệ nam - nữ, số người có năng lực trình diễn tốt chiếm tỷ lệ cao. Đó là điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi một cách bài bản. “Việc Khánh Hòa đưa hội bài chòi ra tổ chức ở công viên bờ biển để phục vụ người dân và du khách là điều sáng tạo, đáng để cho các địa phương khác học tập”, PGS.TS Nguyễn Bình Định phát biểu.
Cần đưa bài chòi vào trường học
Theo đánh giá của các nghà nghiên cứu, việc thực hành, duy trì và trao truyền bài chòi đang đối mặt với những thách thức. Các nghệ nhân nắm giữ thuần thục các bài bản và kỹ năng, kỹ thuật diễn xướng ngày càng cao tuổi, không còn nhiều cơ hội truyền dạy trong cộng đồng; thế hệ trẻ không mặn mà với việc học bài chòi; không gian diễn xướng bài chòi bị thu hẹp, các nghi thức và bài bản có xu hướng bị đơn giản hóa…
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đề nghị: Khánh Hòa cần làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đa dạng hóa các hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị nghệ thuật bài chòi đến nhiều đối tượng công chúng; nghiên cứu đưa nghệ thuật bài chòi vào chương trình giáo dục di sản ở bậc phổ thông. Bên cạnh đó, tỉnh cần hướng dẫn các nghệ nhân bài chòi đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (3 người) làm hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ nhân Nhân dân; hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá nghệ thuật bài chòi, phục hồi các bài bản và hình thức diễn xướng bài chòi đã bị mai một.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa (Khánh Hòa) cho rằng đưa bài chòi vào trường học là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Việc trang bị cho giới trẻ kiến thức và kỹ năng về văn hóa truyền thống là điều cần thiết, trong đó môi trường tốt nhất là học đường. Theo đó, ngành Giáo dục đưa nghệ thuật bài chòi trở thành một phần trong nội dung lịch sử, ngữ văn địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến bài chòi; đưa nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa vào cuộc thi Tiếng hát học đường.
Trong khi đó, nhạc sĩ Đặng Bá Oánh (Viện Âm nhạc) cho rằng, bảo tồn bài chòi cần gắn với cộng đồng vì họ là chủ thể của di sản. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, có các hoạt động tôn vinh để cộng đồng ý thức trong việc gìn giữ và trao truyền nghệ thuật bài chòi.
Hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã được hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3-2016. Hiện nay, bộ hồ sơ đang trong quá trình được UNESCO kiểm tra, thẩm định đánh giá. Theo lịch, cuối năm 2017, trong kỳ họp của UNESCO tại Hàn Quốc, hồ sơ này sẽ nhận được kết quả cuối cùng.
______________________________________
Theo điều tra của Sở VH-TT, Khánh Hòa hiện có 341 người biết hát, đàn các làn điệu bài chòi, trong đó có 25 anh hiệu, 67 nghệ nhân biết độc diễn bài chòi dân gian, còn lại là những người biết chơi các nhạc cụ, có khả năng hát bài chòi. Hiện nay, trên địa bàn có 5 câu lạc bộ bài chòi, trong đó có các gia đình đã trao truyền bài chòi qua nhiều thế hệ như: gánh hát Huỳnh Long (xã Vĩnh Thạnh), Huỳnh Ngọc Ẩn (phường Phương Sơn), Nguyễn Dũng (huyện Diên Khánh)…
Tác giả bài viết: XUÂN THÀNH
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...