Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh SơnGìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Raglai
90 năm sử thi Tây Nguyên
Thứ ba - 13/06/2017 10:17
Bước vào năm 2017, “Khan Đam San” của người Ê Đê vừa tròn 90 năm kể từ khi Sabatier phát hiện, sưu tầm và công bố vào năm 1927. Sau đó là hàng loạt những sử thi, trường ca khác của dân tộc Tây Nguyên được sưu tầm, xuất bản. Cùng với cồng chiêng, sử thi là di sản nổi tiếng, làm nên loại hình văn hóa đặc sắc nhất của Tây Nguyên. Những tác phẩm sử thi tiêu biểu
Ngoài dân tộc Ê Đê, một số dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có loại hình tự sự trường thiên, người M'nông gọi là Ot Ndrông, người Bahnar gọi là Hơmon, người Jrai gọi là Hơri, người Mạ gọi là Nôtông, người Raglai gọi là Akhat Daluka. Đó là loại hình sử thi, trường ca - một loại hình sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu phân chia thành hai dạng: sử thi sáng thế và sử thi anh hùng. Đây là những áng văn được lưu truyền bằng trí nhớ và truyền miệng của nghệ nhân dân gian về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi những anh hùng huyền thoại, những chàng dũng sĩ đã đánh thắng mọi kẻ thù hung ác, bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng.
Những tác phẩm sử thi nổi tiếng của dân tộc Ê Đê như Đam San, Xinh Nhã, Mhiêng, Đămté Mlan, Khinh Dú… Cao nguyên M’nông cũng có hàng loạt sử thi được giới thiệu như Tâm Ngết, Sử thi cổ sơ, Mùa rẫy Bon Tiăng, Gió xoáy Bon Tiăng, Trang chấp bộ công của Sơm Sơ Kon Phan, Lêng đi giành lại nring… Vùng Bắc Tây Nguyên có những sử thi tiêu biểu như Dyông Dư, Bia Brâu, Giơ Hao Jrang, Đăm Noi, Giông Trong Yuăn… Đáng kể nhất là hơn 37 bộ sử thi đồ sộ của người Ê Đê, Jrai, Bahnar, Xơ Đăng, M’nông đã được sưu tầm, xuất bản sau khi thực hiện Đề án: “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Đậm chất Tây nguyên
Sử thi bao giờ cũng được trình bày dưới dạng hát ngâm bằng làn điệu dân tộc, cộng với ngữ điệu, sắc thái, cường độ, tốc độ với cách đổi giọng từ giọng thật sang giọng giả hay thay đổi tầm cỡ âm thanh của người nghệ nhân. Những yếu tố này mang đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc và vượt khỏi phạm vi biểu cảm của ngôn ngữ nói.
Người kể khan khi cao giọng, khi lắng trầm, lúc tâm tình, ngâm ngợi. Đêm đến, đồng bào thường tập trung về nhà dài của chủ làng, nhà rông hay một gia đình nào đó để nghe ông già hát kể trường ca. Đồng bào nghe hát kể trường ca một cách tự giác và chăm chú. Hầu như mọi tình cảm, suy tư họ đều dồn hết trong tâm trạng của từng nhân vật trong từng cốt truyện. Trong lúc diễn xướng, nghệ nhân dường như sống trong “một thế giới riêng”, hóa thân vào các nhân vật trong sử thi mà họ hằng yêu mến; còn người nghe mở trí tưởng tượng bay bổng cho tâm hồn trở về với thời xa xưa, huyền thoại.
Sử thi và văn hóa Tây Nguyên
Sử thi là linh hồn của văn hóa Tây Nguyên, có ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, luật tục, nghệ thuật, tín ngưỡng, nếp sống của con người và cộng đồng. Nó là tủ sách “bách khoa toàn thư” chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cũng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy lâu đời. Sử thi, trường ca chính là cuộc sống, phản ánh mọi khía cạnh của xã hội cổ truyền, từ việc tạo lập buôn làng đến việc sản xuất nương rẫy, từ những cuộc chiến tranh bộ tộc giành đất đai, tài sản, người đẹp đến việc thực hành các nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, luật tục…
Vẻ đẹp của ngôn ngữ sử thi - một thứ ngôn ngữ kết tinh được những đặc điểm thẩm mỹ truyền thống trong ngôn ngữ của một dân tộc. Những lời thơ hồn nhiên, trong sáng của sử thi là tiếng nói của cha ông để lại, góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Người Tây Nguyên, ai cũng thuộc một số câu thơ hay tên các nhân vật “chính diện” nào đó trong tác phẩm sử thi. Họ luôn luôn mơ ước và được như mẫu người của các nhân vật lý tưởng được miêu tả trong câu chuyện, đó là chàng Đam San, Xinh Nhã, Lêng, Mbông luôn khỏe mạnh, dũng cảm; là nàng Hbia, Bing, Jông nết na, xinh đẹp. Mọi người càng được nghe kể khan càng thích thú, say mê bởi nội dung bổ ích, giúp cho họ hiểu được cuộc sống của chính mình, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Nỗ lực bảo tồn
Trong nhiều năm qua, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu sử thi. Cùng với nguồn lực từ Trung ương thông qua Đề án: “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện, nhiều sử thi được sưu tầm, dịch thuật, xuất bản, đã góp phần hệ thống hóa văn bản loại hình nghệ thuật dân gian này một cách đầy đủ, khoa học giúp cho chủ nhân của vùng sử thi có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hành trong hoàn cảnh mới. Nhờ vậy, các tác phẩm sử thi Tây Nguyên đã có mặt trong hệ thống thư viện các cấp và các trường học, phục vụ cho công chúng, nhất là đồng bào Tây Nguyên, đưa sử thi trở lại với chủ nhân, cộng đồng mà sử thi ra đời.
Tuy nhiên, sử thi là một trong những loại hình dễ bị mai một, mất mác. Những nghệ nhân lớn tuổi, am hiểu, thuộc nhiều sử thi đã qua đời. Nghệ nhân trẻ chưa có được nhiều người sẵn sàng và có đủ khả năng để đón nhận, tích góp những vốn liếng của người đi trước trao truyền lại. Loại hình di sản này đang có nguy cơ thất truyền. Trước tình hình đó, các địa phương đã có một số việc làm kịp thời như tạo điều kiện cho các nghệ nhân thực hành diễn xướng, truyền dạy, giúp đỡ các nghệ nhân trẻ người dân tộc tham gia sưu tầm, dịch thuật sử thi. Nhiều nghệ nhân sử thi Tây Nguyên đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Công tác xã hội hóa về bảo tồn di sản được phát huy, nhiều người đã tự nguyện góp sức chung tay bảo tồn sử thi Tây Nguyên, có nơi đã tổ chức trợ cấp tiền sinh hoạt hàng tháng cho một số nghệ nhân, giúp họ bớt những khó khăn trong cuộc sống để cùng với các nhà sưu tầm, nghiên cứu giữ gìn vốn quý của dân tộc mình. Điều phấn khởi nhất là di sản của đồng bào được trân trọng, tôn vinh, đó là vào năm 2014, sử thi Tây Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...