Thống nhất cải tạo đường cong trên Tỉnh lộ 9

Thứ năm - 21/02/2019 08:09
UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất với phương án đầu tư, xây dựng, mở rộng một số khúc cong cua trên đèo Khánh Sơn để tạo điều kiện cho các loại xe có trọng tải lớn lưu thông.

20 điểm cong cua cần cải tạo

Tỉnh lộ 9 có chiều dài hơn 56km kết nối Quốc lộ 1 TP. Cam Ranh với huyện Khánh Sơn. Hiện tại trên tuyến Tỉnh lộ 9 đoạn lên đèo Khánh Sơn đến trung tâm huyện, xe tải 20 tấn, xe khách lớn (45 chỗ), xe đầu kéo vẫn có thể di chuyển được nhưng rất khó khăn do điều kiện địa hình. Khả năng đầu tư có hạn trong giai đoạn trước đã hình thành một số đường cong bán kính nhỏ kết hợp với bề rộng mặt đường hẹp. Khi các phương tiện kích thước lớn (đặc biệt là xe đầu kéo kéo rơ móoc) lưu thông tại các đường cong tay áo trên đèo sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), toàn bộ phương tiện trên làn đường hướng ngược lại phải dừng hoặc lùi lại để nhường đường. Để các xe, phương tiện có kích thước lớn lưu thông thuận lợi, an toàn, yêu cầu phải cải tạo, mở rộng các đường cong có bán kính nhỏ, khó khăn trong lưu thông.

deoks
Một khúc cua trên đèo Khánh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tại các vị trí đường cong bán kính nhỏ trên đường đèo Khánh Sơn, tuy hệ thống ATGT được đơn vị quản lý đường rà soát, hoàn thiện, nhưng do đặc thù về địa hình, nếu các phương tiện xe con, xe máy khi lưu thông không thông thuộc địa hình và hiện trạng của tuyến đường sẽ phát sinh các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Việc cải tạo để tăng cường điều kiện ATGT là rất cần thiết.

Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay nhu cầu vận chuyển nông, lâm sản từ huyện đi tiêu thụ không lớn, nhưng trong tương lai, khi kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, cần tăng cường điều kiện ATGT, phục vụ cứu trợ và vận chuyển thiết bị cơ giới xử lý sự cố đường bộ, khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở do mưa lũ, tránh tình trạng cô lập, chia cắt kéo dài giữa huyện Khánh Sơn với các địa phương lân cận. Chính vì thế, việc đầu tư, cải tạo một số vị trí đường cong trên đèo của Tỉnh lộ 9 là cần thiết.


Được biết, qua khảo sát, đơn vị tư vấn thiết kế xác định trên tuyến có tổng cộng 221 vị trí đường cong, trong đó phần lớn đều cơ bản đảm bảo thuận lợi cho xe có kích thước lớn lưu thông. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho các phương tiện xe container, đầu kéo loại lớn nhất có thể lưu thông thì yêu cầu phải cải tạo mở rộng 21 vị trí đường cong, trong đó có 16 vị trí ở đường đèo và 4 vị trí ở tây đèo (1 vị trí ở tây đèo đã đươc đưa vào dự án xây dựng thác nước do UBND huyện Khánh Sơn làm chủ đầu tư), vì vậy còn tổng cộng 20 vị trí. Trong số này, có 5 vị trí có điều kiện hiện trạng rất khó khăn để lưu thông, nhiều yếu tố bất lợi về kỹ thuật, địa hình và các yếu tố ATGT khác, yêu cầu phải ưu tiên cải tạo trước.

Phân kỳ đầu tư

Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất 2 phương án đầu tư. “Tuy nhiên, xét về nhu cầu tương ứng với giai đoạn phát triển và điều kiện nguồn vốn cho phép, sở và các đơn vị liên quan đề xuất lựa chọn đầu tư theo phương án 1. Theo đó sẽ cải tạo, mở rộng để xe tải 20 tấn, xe khách 45 chỗ và xe đầu kéo kéo rơ móoc loại trung lưu thông được trên tuyến thuận lợi, an toàn, tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 đầu tư cải tạo vị trí đường cong ưu tiên với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng; giai đoạn 2 đầu tư cải tạo 15 vị trí còn lại, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,5 tỷ đồng”, ông Dần nói.

Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với phương án đầu tư mở rộng, cải tạo một số vị trí đường cong của Tỉnh lộ 9 của Sở GTVT. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách khó khăn, việc triển khai đầu tư mở rộng, cải tạo các vị trí đường cong nằm trên đường đèo Khánh Sơn sẽ được xem xét tại thời điểm thích hợp.

Tác giả bài viết: MẠNH HÙNG

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây