Trăn trở trên quê hương thứ hai
Cách đây vài năm, ông Nguyễn Tất Tứ quyết định chuyển cả gia đình từ Hà Tĩnh vào Khánh Sơn, với ý định ban đầu là lập trang trại làm kinh tế. Ông đã mua lại 3ha đất ở thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) có các loại cây ăn quả đang cho thu hoạch và ao cá. Thế nhưng, sống trên vùng đất mới được một thời gian, ông Tứ quyết định không theo đuổi mô hình trạng trại, mà chuyển sang một hướng đi mới và táo bạo hơn. “Vào đây sinh sống, tôi phát hiện bà con trồng chuối rất nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhìn cảnh người đồng bào dân tộc thiểu số vất vả gùi, chở chuối từ rẫy về bán với giá rất rẻ, tôi trăn trở phải làm sao để có thể góp phần nâng cao giá trị của quả chuối trên vùng đất này”, ông Tứ chia sẻ.
Tháng 8-2016, người cháu gái từ Nhật Bản về nước và đến thăm, ông Tứ đã đem niềm trăn trở này nói với cháu của mình. Cô cháu nói ngay: “Bác làm chuối sấy đi. Cháu thấy ở Nhật cũng như nhiều nước sản phẩm chuối sấy dẻo rất phổ biến và được ưa chuộng”. “Khi nghe cháu nói vậy, tôi cảm thấy rất có lý. Từ đó, tôi tập trung tìm hiểu thị trường, mày mò nghiên cứu phương pháp chế biến sản phẩm chuối sấy dẻo”, ông Tứ cho biết.
Hướng đi triển vọng
Sau khi tìm hiểu, ông Tứ mạnh dạn đặt mua 2 máy sấy từ Hà Nội vào để sản xuất chuối sấy dẻo ngay tại nhà ở Khánh Sơn. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra không được như ý muốn. Bên cạnh đó, do chưa có sự xác nhận của cơ quan chức năng về chất lượng và các yếu tố về an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dẫn đến lỗ vốn. “6 tháng đầu, sản phẩm của tôi chủ yếu để cho người ta ăn thử”, ông Tứ cho biết.
Vạn sự khởi đầu nan. Nghĩ vậy nên dù gặp sự phản đối của vợ con, ông Tứ vẫn quyết tâm theo đuổi hướng đi của mình. Vừa nghiên cứu, sản xuất để dần hoàn thiện sản phẩm chuối sấy dẻo, ông còn chế biến thêm sản phẩm nước ép chuối. Đồng thời làm thủ tục đăng ký kinh doanh, gửi mẫu của 2 sản phẩm đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) để kiểm nghiệm và xin xác nhận về tiêu chuẩn. Sự nỗ lực của ông đã được đền đáp khi cả 2 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời cơ sở chế biến chuối sấy dẻo, nước ép chuối An Hòa của ông cũng được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định.
Có mặt tại cơ sở An Hòa, chúng tôi thấy có gần chục nhân công tất bật làm việc. Từ
Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Mô hình sản xuất chuối sấy dẻo của ông Tứ rất cần thiết với địa phương. Đây là một hướng đi tốt trong việc đảm bảo đầu ra cho mặt hàng nông sản, cụ thể là trái chuối. Trong thời gian tới, huyện sẽ tìm hiểu rõ hơn về mô hình này để có hướng hỗ trợ thiết thực. Đây có thể xem là một sản phẩm nông nghiệp nông thôn góp phần nâng tầm giá trị cho quả chuối Khánh Sơn. |
khâu tuyển lựa, ủ, bóc, sấy chuối, ép, nấu nước chuối cho đến đóng gói sản phẩm đều được làm thủ công. Trong đó, khâu làm nguội và đóng gói chuối sấy dẻo được thực hiện trong phòng kính vô trùng và được cách ly với bên ngoài rất nghiêm ngặt.
Hiện tại, với 2 máy sấy, cơ sở An Hòa có thể sản xuất tối đa 30kg chuối sấy dẻo và 10 lít nước ép chuối/ngày; hiện nay, sản phẩm đã có mặt tại Nha Trang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Theo ông Tứ, khoảng 1 tháng nay, một số siêu thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đến tận cơ sở của ông để tham quan quá trình sản xuất, tìm hiểu chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và đặt hàng với số lượng lớn, ổn định. Tuy nhiên, ông chưa dám ký kết hợp đồng với các đối tác này, bởi công suất của cơ sở chưa thể đáp ứng được. Hiện tại, giá bán tại cơ sở là 125.000 đồng/kg chuối sấy dẻo và 100.000 đồng/lít nước ép chuối.
Về hướng phát triển thời gian tới, ông Tứ cho biết sẽ đầu tư trang bị hệ thống sấy dùng năng lượng mặt trời với công suất lớn, nhằm tăng sản lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, đầu tư máy làm phân hữu cơ để tận dụng vỏ chuối và các phế phẩm nhằm đảm bảo về môi trường trong quá trình sản xuất cũng như có thêm nguồn thu. “Khi xây dựng được cơ sở khang trang và các máy móc hiện đại, tôi sẽ nhờ chính quyền địa phương làm trọng tài để ký kết hợp đồng với người dân địa phương trồng chuối, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cơ sở của mình. Có như vậy mới đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất quy mô lớn; đồng thời qua đó góp phần giúp người trồng chuối có thu nhập ổn định”, ông Tứ nói.
Tác giả bài viết: Giang Đình - Thế Anh
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...