Tập trung chăm sóc cây ăn quả, cây công nghiệp và mía tím
Mới sáng mùng 4 Tết, các thành viên trong gia đình bà Mai Thị Xuân Thắm (thôn Cô Róa, xã Sơn Lâm) đã cùng nhau lên rẫy chặt chuối về bán. Bà Thắm cho biết, năm nay thương lái thu mua chuối sớm hơn mọi năm, chủ yếu để phục vụ ngày Rằm tháng Giêng. Hiện tại, giá chuối khoảng 4.000 đồng/kg, giúp gia đình có nguồn thu nhập kha khá ngay từ những ngày đầu năm nên bà rất vui mừng, phấn khởi. “Sau khi thu hoạch xong đợt chuối đầu năm, gia đình tôi sẽ bắt tay vào tưới nước, làm cỏ, bón phân cho vườn cà phê, sầu riêng. Hiện tại, sầu riêng và cà phê đã bước vào thời kỳ ra hoa nên việc cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn nước và dinh dưỡng là rất cần thiết, quyết định đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch”, bà Thắm chia sẻ.
Hộ ông Bo Bo Là Xuân (thôn A Pa 2, xã Thành Sơn) có 8 sào cà phê, 2ha chuối và hơn 1ha keo. Do ảnh hưởng cơn bão số 12, phần lớn diện tích cây trồng của gia đình bị ảnh hưởng, làm giảm nguồn thu nhập. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, ngay trong những ngày đầu năm mới, gia đình ông đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. “Hiện tại, gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, bón phân cho các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ở vườn nhà, đồng thời phát dọn rẫy chuối và keo để cây tiếp tục phát triển”, ông Xuân tâm sự.
Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết, ngay từ mùng 2, mùng 3 Tết, nông dân trong xã đã xuống đồng tưới tiêu những diện tích cây trồng thuộc mô hình nông thôn mới, diện tích cây ăn quả được chuyển đổi theo Quyết định 661 của UBND tỉnh. Trong điều kiện thời tiết có nhiều khả năng xảy ra nắng hạn, xã đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan cùng các thôn tiến hành nạo vét tất cả các ao, hồ, đập, ngăn dòng tích trữ nước để phục vụ sản xuất trong mùa khô sắp tới.
Hiện tại, nông dân huyện Khánh Sơn đang tập trung xuống giống và chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân. Đồng thời, làm cỏ, bón phân và tranh thủ nguồn nước trên các sông, suối để bơm, tưới cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, mía tím để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc, khôi phục những diện tích cây trồng bị thiệt hại do mưa bão, nhất là đối với diện tích chuối để đảm bảo có thể thu hoạch vào cuối năm 2018. “Hiện nay, do điều kiện thời tiết nhiệt độ xuống thấp, thường có sương muối nên cây trồng rất dễ mắc sâu bệnh, phổ biến như: bệnh sì mủ trên cây sầu riêng; thán thư, rỉ sắt trên cà phê; muội đen trên cây có múi… Vì thế, nông dân cần thường xuyên thăm vườn, sớm phát hiện cây nhiễm sâu bệnh hại để có biện pháp chữa trị kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại trong sản xuất”, ông Trần Anh Việt - Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo.
Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo lãnh đạo UBND huyện, năm 2018, Khánh Sơn phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 10% so với năm trước. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện phấn đấu đạt hơn 5.000ha; sản lượng lương thực có hạt 4.800 tấn;… Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì diện tích các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi, chôm chôm, mía tím, hồ tiêu… Khuyến khích bà con nông dân phát triển mô hình kinh tế trang trại nông - lâm kết hợp. Tiếp tục chuyển đổi khoảng 250ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao…
“Rút kinh nghiệm năm 2017, ngay từ đầu năm 2018, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát những diện tích lúa không chủ động được nguồn nước, diện tích cây hàng năm, cây lâu năm hiệu quả kinh tế thấp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có diện tích và có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các xã, thị trấn đã tổ chức cho người dân đăng ký diện tích chuyển đổi năm 2018. Huyện cũng chỉ đạo các ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành cấp cây giống cho người dân ngay từ đầu mùa mưa, đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết.
Tác giả bài viết: Đinh Luận
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...