“Tham dự liên hoan để được hát cho con cháu nghe những làn điệu của ông bà là vui rồi. Đến đây, thấy có nhiều người hát hay, nhiều làn điệu, bài hát được người ở các địa phương thể hiện, già thấy mừng lắm”, Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Quang chia sẻ. Có lẽ với niềm trăn trở về những làn điệu dân ca, Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Quang không chỉ là người đại diện cho xã Thành Sơn tham dự liên hoan, mà còn động viên con gái mình cùng đi biểu diễn. “Bà Quang mê hát dân ca, mê kể sử thi lắm. Hàng ngày, bà vẫn hát cho con cháu trong nhà nghe. Đứa nào thấy thích thì bà dạy hát, dạy kể sử thi nên bây giờ con gái của bà cũng hát hay, kể hay rồi”, Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Thanh cho biết.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, các làn điệu dân ca của người Raglai thường có nội dung kể về tình yêu trai gái, tình đoàn kết xóm làng, tình cảm gia đình, bạn bè, lòng biết ơn về tổ tiên ông bà. Nhưng ở mỗi địa phương, mỗi vùng người Raglai lại thường hát những làn điệu dân ca khác nhau. Chẳng hạn như: khu vực các xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình thích làn điệu Majiêng, Zucai; ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, thị trấn Tô Hạp lại thích làn điệu Alơu, Siri. Các làn điệu dân ca của đồng bào Raglai thường được thể hiện theo lối tự sự, đối đáp. Người hát thường kể về một câu chuyện nào đó để ca ngợi, khuyên răn, ví von về những công việc, sự việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mỗi làn điệu khác nhau chủ yếu ở cung bậc cảm xúc. Làn điệu Alơu mượt mà, sâu lắng; làn điệu Majiêng giàu tính tâm sự; làn điệu Zucai trầm hùng; làn điệu Siri man mác buồn.
Bà Bo Bo Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, dân ca của đồng bào Raglai là vốn quý cần được giữ gìn và phát huy. Huyện đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca, kể sử thi trong trường học; khuyến khích các địa phương thành lập những đội văn nghệ, trong đó có tập hợp những người biết hát dân ca; tổ chức các liên hoan, những chương trình văn nghệ biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào Raglai… Hiện tại, số người biết hát dân ca, biết kể sử thi trên địa bàn huyện đã tăng lên khá nhiều so với mấy năm trước. Trong đó, có nhiều học sinh cũng đã biết hát, biết kể. Những kết quả ban đầu này đã thể hiện được phần nào chủ trương đúng đắn của huyện trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Raglai.
Mạch nguồn dân ca Raglai vẫn đang âm thầm chảy trong đời sống cộng đồng. Đó cũng là minh chứng cho bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa của người Raglai vẫn lưu truyền đến thế hệ sau.
Tác giả bài viết: GIANG ĐÌNH
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...