Sách do ban tu thư Đại học Hoa Sen liên kết xuất bản với NXB Hồng Đức - Ảnh: L.ĐIỀN |
Nguyên tác của Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác (The aims of education and other essays) xuất bản từ năm 1929, và cho đến ngày nay “những mục tiêu giáo dục” mà ông chủ trương vẫn được cộng đồng quốc tế không ngừng tham khảo.
Đây là lần thứ hai ban tu thư Hoa Sen “húc vào” tác phẩm này và là lần đầu tiên toàn văn tác phẩm kinh điển Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác được Việt dịch. Bảy năm trước, một nửa tác phẩm này từng được dịch và ấn hành (chỉ gồm các chương 1, 2, 3, 4, 7).
Giáo dục là mối quan tâm và bận tâm của mọi người, ở VN giáo dục còn là nỗi ám ảnh - chẳng hạn ở các kỳ thi tuyển sinh đại học - cho cả phụ huynh và học sinh.
Và trong sự ám ảnh ấy, nếu nhìn lại những gì Whitehead viết nhằm lưu ý cộng đồng các quốc gia châu Âu hồi thập niên 1920-1930 về một đường hướng giáo dục, hẳn chúng ta không khỏi bàng hoàng cho sự chậm chân trong giáo dục của chúng ta.
Whitehead viết: “Về bản chất, nền giáo dục khai phóng hướng đến tư tưởng và thẩm định mỹ học. Nó tiến hành bằng cách phổ biến kiến thức về những kiệt tác về tư tưởng, về văn học hư cấu và về nghệ thuật. Hành động mà nó trông đợi là sự tinh thông. Đó là một nền giáo dục quý phái bao hàm sự nhàn rỗi”.
Hẳn từ lâu các nhà làm giáo dục ở VN đã không còn kịp nhớ đến hai chữ nhàn rỗi nữa, và vì thế cái “bản chất giáo dục” mà Whitehead bảo là “phổ biến kiến thức về những kiệt tác về tư tưởng”, liệu biết bao giờ chúng ta mới thâm nhập được?
Dù vậy, việc phổ biến tác phẩm kinh điển này cũng là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng đọc sách để tìm kiếm những triết lý giáo dục.
Hãy đọc Whitehead để hình dung về những tai hại của lối dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức mà tư duy người học thì trơ ì; đọc để thấy từ thời của Whitehead ông đã chủ trương một “mệnh lệnh giáo dục”.
Mệnh lệnh ấy là: không dạy quá nhiều môn học và dạy cái gì thì phải dạy cho thấu đáo; đọc để chia sẻ ý tưởng rằng tri thức phải như ngọn đuốc sáng được cộng đồng, phụ huynh, người học, nhà quản lý giáo dục và người dạy... chuyền tay nhau để gìn giữ và nhân rộng.
Và đọc với những ai xem giáo dục không chỉ là việc quan hệ với cả đời mình mà còn là mục tiêu cho cả cộng đồng quốc gia dân tộc mình, rất nên nghe kết luận của Whitehead:
“Điều quan trọng đối với một quốc gia là phải có một mối quan hệ rất mật thiết giữa tất cả yếu tố tiến bộ của nó, sao cho việc học có thể ảnh hưởng đến nơi phố chợ và phố chợ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu”.
Tác giả bài viết: Lam Điền
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...