Lần đầu tiên tại Việt Nam, “Ông tướng của tôi” được in khổ lớn với những tranh minh họa màu sống động, mang đậm nét tính cách, tâm hồn, cảnh sắc thiên nhiên Nga.
Ra mắt tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ 20, “Ông tướng của tôi” đã thu hút sự yêu mến say mê của nhiều độc giả nhỏ tuổi. Hình ảnh người ông – một vị tướng về hưu cả cuộc đời luôn trung thành với những lý tưởng sống cao đẹp đã in đậm trong tâm hồn của cậu bé Anton, cũng như biết bao cô bé cậu bé đã từng đọc tác phẩm.
Nội dung cuốn sách này nói về cậu bé Anton sống cùng bố mẹ tại vùng Siberia xa xôi, còn ông nội cậu - trung tướng Anton Rybakov lại ở thủ đô Moskva. Được nghe bố mẹ kể rất nhiều về ông, nhưng cậu chỉ được gặp và ở cùng ông từ lúc ông nghỉ hưu về sống với gia đình cậu.
Khác hẳn những gì cậu bé hình dung về một vị tướng oai phong lẫm liệt với huân chương đeo đầy trước ngực, “vị tướng” của Anton ngoài sự cương nghị, mực thước, lại là một người ông vô cùng giản dị, gần gũi, không lúc nào để mình nghỉ ngơi nhàn rỗi. Anton đã phải thốt lên kinh ngạc khi chứng kiến “một vị tướng, dù đã về hưu lại xách chai lọ đi mua sữa, lau nhà, nướng bánh!”.
Qua những tháng ngày bên ông, chứng kiến những cử chỉ, hành động của ông, hiểu quan niệm, triết lý sống của ông, Anton càng yêu mến và cảm phục ông, từ đó cậu cũng nhận ra được nhiều bài học quý giá trong cuộc sống, trong cách đối nhân xử thế. Đó là khi Anton nhận ra “Ngay cả kẻ thù lớn nhất của tôi, thằng quỷ dữ Pukhov, biệt danh là Thùng Phuy cũng không phải là kẻ thù và phản bội, kẻ thù chính là tôi. Tôi là kẻ thù của chính mình”. Hiểu rằng“dám nhận sự hèn nhát của mình, thậm chí sự hèn hạ của mình, đó chính là sức mạnh”, chứ không phải cậy nhờ vào uy thế của người khác.
Không chỉ với Anton, nhân sinh quan tích cực của vị tướng già còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Với ông, “trong năm, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng. Mùa đông, mùa xuân, mùa thu, mùa hạ…và con người cũng thế! Tuổi già là mùa thu của đời người. Và tuổi già có cái kỳ diệu riêng, có niềm kiêu hãnh riêng của nó”. Ông quan niệm: “Không phải mọi việc đều đơn giản, không phải mọi cái đều đạt được như ý muốn. Nhưng như vậy mà lại tốt. Có cái để ta phấn đấu! Để ta làm cho tốt hơn!” Dành trọn cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cả trong thời chiến lẫn thời bình, đến khi về hưu, vị tướng già vẫn luôn đau đáu, làm thế nào để cuộc sống của mọi người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.
“Ông tướng của tôi” còn chứa đựng những câu chuyện thường ngày ở nhà, ở trường của nhân vật chính – cậu bé Anton trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, thầy cô, ở khu công trường vùng Siberia khắc nghiệt, cùng những câu chuyện về một thời chiến tranh vệ quốc oai hùng trong kí ức của vị tướng già.
Đọc cuốn sách, độc giả sẽ có những giây phút được đắm chìm trong vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc đất nước Nga xinh đẹp với rừng Taiga “quanh năm rì rào, đưa lên đỉnh núi hương thơm của nhựa và phấn thông”, mùa đông với “mặt sông bốc khói nghi ngút. Những cây thông vỡ toác vọng tiếng vào không trung giá rét”, khiến ta không khỏi “kinh ngạc về vẻ đẹp, về sự hùng vĩ của núi rừng, về sự gần gũi của bầu trời”.
Albert Likhanov (sinh ngày 13 tháng 9 năm 1935) là nhà văn Liên Xô, nhà văn Nga nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Tác phẩm của ông đã được xuất bản trên 30 triệu bản ở Nga. Các tiểu thuyết và truyện vừa của ông được dịch ra 34 ngôn ngữ trên thế giới. Albert Likhanov luôn đề cao trách nhiệm công dân tích cực, giữ gìn các giá trị đạo đức cao cả, lưu giữ truyền thống anh hùng của cha ông, đấu tranh bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống và kêu gọi người lớn hãy thấu hiểu các vấn đề của thế hệ trẻ.
Tác giả bài viết: Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức
Nguồn tin: baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...