Thư thời chiến ở Việt Nam viết ra giấy mực để chia sẻ, chứ không phải để lưu truyền; nói về suy nghĩ và tình cảm riêng tư, chứ không phải phản ảnh tâm nguyện chung của tập thể nào, địa phương nào, quốc gia nào; giữ làm kỷ vật, kỷ niệm cá nhân, chứ không nhằm lưu trữ thành tài liệu, sử liệu, chất liệu cho bất cứ giới nghiên cứu nào.
Đây là một nhận định về “Những lá thư thời chiến Việt Nam”- một trong những cuốn sách tiêu biểu, nằm trong Công trình tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tôn Vinh nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
Những lá thư thời chiến đã được lưu giữ như tài sản quý báu cho mai sau. |
Trang sử sống động viết bằng máu
Những lá thư thời chiến dù được viết bằng bút chì, bút bi trên những tờ giấy đen thô ráp hay những tờ giấy trắng kẻ ô li, nhưng thực ra, trong nó chứa cả máu của những người lính nơi chiến trường và cả mồ hôi, nước mắt đợi chờ của người mẹ, người vợ nơi hậu phương.
Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ hoặc thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình ở Việt Nam.
Đọc Những lá thư thời chiến, chúng ta sẽ gặp cô gái trẻ Đặng Thùy Trâm đã hi sinh khi tuổi đời chưa đầy 28 bên cạnh những dòng nhật ký đầy cảm động, hay liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc (sinh năm 1950 tại Ninh Bình). Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng, súng hết đạn và bị địch bắt làm tù binh, nhưng anh quyết không hé răng khai báo điều gì. Bọn địch đã điên cuồng trả thù bằng cách cho thiêu sống người “Việt Cộng” dũng cảm này. Lá thư duy nhất của anh gửi về cho gia đình từ chiến trường còn giữ lại được:
“Ngày 10/4/1968. Thầy mẹ và các em thân mến!
… "Còn ước mơ trở thành một sinh viên đại học của con thì có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Giờ đây, con đã trở thành một anh lính giải phóng uy nghiêm và cứng rắn, đang đứng vững nơi khói lửa; đi bảo vệ lấy Tổ Quốc, lấy thành quả của Cách mạng… Hiện giờ chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con với tất cả sức lực; với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hi sinh cống hiến tuổi tác cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt… Con sẽ là một người con xứng đáng của gia đình, của thế hệ trẻ”.
Những lá thư không chỉ là một không gian tinh thần, mà hơn hết đó còn là những tư liệu lịch sử sống động và chân thực nhất, như nhà văn Đặng Vương Hưng - tác giả của cuốn sách chia sẻ: “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hi sinh và cống hiến ra sao…?”.
Di sản cho mai sau
“Nói về lịch sử, chúng ta thường hay nói tới di tích, nói tới chiến tranh chúng ta nói nhiều tới vũ khí đôi khi quên mất con người. Lịch sử không phải là vô nhân xưng, mà nó có thể để lại những tấm gương lớn, những khuôn mặt và tên tuổi lớn, nhất là đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Những bức thư vốn là phương tiện giao tiếp rất bình thường giữa con người với con người, rất riêng tư. Nhưng để nó trở thành một ký ức chung cho xã hội, có sức mạnh truyền trao qua các thế hệ thì đó là trách nhiệm của những người làm lịch sử và những người làm công tác bảo tồn, đó cũng là mong muốn của xã hội chúng ta đang sống. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải bảo tồn những giá trị to lớn của những bức thư trong thời chiến, đây cũng chính là góp thêm phần trách nhiệm của mỗi người trong thế hệ của chúng ta đối với đất nước” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định về Những lá thư thời chiến.
GS. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc bộc bạch: “Những bức thư trong thời chiến không phải là của những nhân vật hư cấu mà các nhà văn tạo nên, mà đó chính là những suy nghĩ, tâm tư hết sức chân thật và giản dị của những người chiến sĩ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha, mẹ, vợ, con hay người yêu… ở hậu phương. Nói một cách khác, những yếu tố nghệ thuật trong mỗi lá thư có thể hơn tất cả những
Những con người - chủ nhân của những bức thư đó đã mãi mãi đi vào lịch sử, làm nên lịch sử. Những trang thư được viết vội trên những trang giấy, mảnh vải giờ đã ố vàng và cũ nát nhưng là những di sản quý báu, giúp chúng ta hôm nay hình dung ra một thời đại mà cha ông đã trải qua. Chúng ta vẫn cảm nhận được những thông điệp mà họ đã vô tình nhắn gửi vào trong đó. Đúng như nhà văn Đặng Vương Hưng đã nói: “Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ, ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”.
Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là một Công trình khoa học “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc, do nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong 10 năm (2005 - 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. |
Tác giả bài viết: Thảo Nguyên
Nguồn tin: langvietonline.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...