Nói đến phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh, thể thao Ninh Hòa trước nay được ví như “con nhà nghèo, vượt khó”. Bởi đến nay, Ninh Hòa vẫn chưa được đầu tư một nhà thi đấu thể thao cấp thị xã. Điều kiện cơ sở vật chất thể thao công lập của Ninh Hòa hầu như chẳng có gì ngoài một sân tập luyện cầu lông nằm sâu bên trong Trung tâm Văn hóa và Thể thao thị xã, hay sân vận động 16-7 lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa mà hơn 10 năm nay chưa được nâng cấp. Vì thế, ngành Thể thao thị xã muốn tổ chức một giải bóng chuyền trong nhà hay bóng đá futsal chỉ có thể đem ra ngoài trời.
Dẫu khó khăn, thiếu thốn là vậy, song về thành tích phong trào, thể thao Ninh Hòa được đánh giá đứng thứ 2 ở tỉnh (chỉ xếp sau Nha Trang). Điều đó thể hiện khá rõ qua những thành tích huy chương, xếp hạng mà các đoàn vận động viên (VĐV) Ninh Hòa đạt được khi được cử đi tham gia giải thể thao cấp tỉnh. Cụ thể, năm 2016, thể thao Ninh Hòa đã cử hàng trăm lượt VĐV các đoàn tham gia đầy đủ 15 giải đấu của tỉnh, thành tích đạt được gồm 2 giải nhất toàn đoàn (môn việt dã, hội thao ngành Văn hóa thể thao), 4 giải nhì toàn đoàn (môn taekwondo, cờ tướng - cờ vua, bóng chuyền trong nhà, vovinam), 1 giải ba toàn đoàn (môn boxing) và hàng chục tấm huy chương các loại. Từ đầu năm 2017 đến nay, qua 6 giải thể thao tỉnh các môn võ thuật, bóng đá, bóng chuyền bãi biển… đoàn thể thao Ninh Hòa đạt được 32 huy chương các loại (trong đó có 8 vàng, 14 bạc và 10 đồng).
6 tháng đầu năm 2017, thị xã Ninh Hòa tổ chức được 11 giải thể thao phong trào, thu hút hơn 1.500 VĐV tham gia với tổng kinh phí 114 triệu đồng, trong đó có đến 6 giải là kinh phí hoàn toàn xã hội hóa với số tiền gần 40 triệu đồng. |
Để có được kết quả như trên, theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao thị xã, bên cạnh những điều kiện sẵn có như: địa phương có truyền thống mạnh về phong trào việt dã, bóng đá thiếu niên, nhi đồng, sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành thị xã thì việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực thể thao là yếu tố rất quan trọng. Ông Nhân ví dụ, với kinh phí Nhà nước cấp khoảng 519 triệu đồng/năm để chi trả cho tất cả các khoản từ lương, thưởng, phụ cấp tập luyện, thi đấu… ngành Thể thao thị xã chỉ có thể tổ chức từ 18 đến 20 giải phong trào địa phương. Tuy nhiên, nhờ xã hội hóa, hằng năm, thị xã đã có kinh phí để tổ chức từ 22 đến 25 giải và cử VĐV tham gia từ 10 đến 14 giải cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp địa phương đã góp sức xây dựng hơn 10 công trình thể thao như: sân quần vợt, nhà tập bóng chuyền, cầu lông với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cá nhân đã đầu tư kinh phí xây dựng các sân bãi, phòng tập theo hướng làm dịch vụ đã mang lại nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh, phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân địa phương. Hiện nay, toàn thị xã có 3 điểm sân cỏ nhân tạo, 3 - 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ tập gym, 2 hồ bơi. Hàng năm, qua các hoạt động thể thao phong trào thị xã, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, trong đó điển hình như: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH Việt Đức, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, VNPT Ninh Hòa… hỗ trợ kinh phí hơn 150 triệu đồng.
Được biết, Trung tâm Văn hóa và Thể thao Ninh Hòa đang xây dựng lứa VĐV bóng đá futsal bắt đầu từ lứa tuổi U13 tại các xã, phường và gầy dựng lại phong trào bóng chuyền trong nhà. “Nếu không có sự đầu tư kinh phí từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhiều sân chơi thể thao phong trào địa phương rất khó có điều kiện để phát triển”, ông Nhân nói.
Tác giả bài viết: AN NHIÊN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...