Sự nghiệp TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới bắt đầu từ ngày thành lập Nha thể dục Trung ương trong Bộ thanh niên. Ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14, Quyết định: “Nay thiết lập tại Bộ thanh niên Nha thể dục Trung ương, nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ y tế và Bộ quốc gia Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc”. Sau gần hai tháng được thành lập, Nha thể dục Trung ương đã thực thi được những việc như: thành lập Trường Cán bộ thể dục Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 1946 đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cấp tốc được hàng tram cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên cho các lực lượng vũ trang, các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung của đất nước, soạn ra các bài tập thể dục phù hợp với từng đối tượng dân chúng, xuất bản báo Việt Nam khỏe để tuyên truyền, cổ động TDTT, xúc tiến thành lập cơ quan TDTT ở các cấp địa phương.
Với những kết quả tích cực của các hoạt động TDTT do Nha thể dục Trung ương thực hiện được như vậy đã tạo nên xu thế phát triển TDTT cách mạng ở nước ta từ đầu năm 1946. Tuy vậy, Nhà nước không quyết định lấy ngày 30 tháng 01, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha thể dục Trung ương mà lại quyết định lấy ngày 27 tháng 3 hàng năm là “Ngày thể thao Việt Nam”. Những sự kiện lịch sử quan trọng sau đây minh chứng cho sự quyết định đúng đắn của Nhà nước lấy ngày 27 tháng 3 là “Ngày thể thao Việt Nam”.
Ngày 27 tháng 3 năm 1946 trên tờ báo Cứu quốc đăng bài “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn đã minh chứng rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện các quan điểm sâu sắc trong bài báo “Sức khỏe và thể dục” có giá trị chỉ đạo sự hình thành nền TDTT cách mạng và không ngừng động viên, cổ vũ đồng bào ta tích cực tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, vì dân vì nước, vì giống nòi Việt Nam.
Mở đầu bài báo “Sức khỏe và thể dục”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới vai trò của sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân trong mọi hoạt động: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Do đó sức khỏe nhân dân có sự ảnh hưởng tới vận mệnh của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, “Dân cường thì quốc thịnh”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên, khuyến khích đồng bào ta với tinh thần yêu nước, yêu giống nòi: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ cho dân chúng thấy rằng: “Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe”. Rèn luyện thân thể bằng những hình thức đơn giản như tập bài thẻ dục tay không, đi bộ, chạy… theo Người: “Việc đó không khó khăn, tốn kém gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hô hào toàn dân Việt Nam: “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục” và Người nêu gương sáng cho dân chúng noi theo: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Với những ý nghĩa sâu sắc như vậy, bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một động lực quan trọng dấy lên tính tích cực, tự giác rèn luyện thân thể của dân chúng. Đồng thời giá trị tư tưởng của bài báo này đã định hướng, chỉ đạo ngành TDTT phối hợp với ngành thanh niên khởi xướng các hoạt động khỏe vì nước, khai sinh nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới. Bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên tờ báo Cứu quốc ngày 27 tháng 3 năm 1946 hiển nhiên là một sự kiện lịch sử quan trọng của “Ngày thể thao Việt Nam”.
Ngày 27 tháng 3 năm 1946 Nha thanh niên và thẻ dục được thành lập theo sắc lệnh số 38 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.
Ngày 06 tháng 1 năm 1946 cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 26 tháng 3 năm 1946, Quốc hội khóa I họp kỳ đầu tiên bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm có 10 bộ. Bộ thanh niên không còn, do đó hai cơ quan Thanh niên Trung ương và thể dục Trung ương hợp nhất thành một Nha, gọi là “Nha Thanh niên và thể dục” trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh số 38, ngày 27 tháng 3 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh quyết định: “Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và thể dục gồm có: một phòng Thanh niên Trung ương và một phòng Thể dục Trung ương”. Từ nay phòng Thể dục Trung ương với ngành TDTT nói chung hoạt động theo sự vận hành của cơ chế Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.
Phòng thể dục Trung ương phối hợp chặt chẽ với phòng Thanh niên Trung ương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của Nha thể dục Trung ương trước đó và triển khai thêm các nhiệm vụ mới, nhất là tuyên truyền, cổ động sâu rộng trong dân chúng nội dung bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc đẩy tiến trình hình thành nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới.
Như vậy, Nha thanh niên và thể dục được thành lập theo sắc lệnh số 38, ngày 27 tháng 3 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, là một sự kiện lịch sử quan trọng của “Ngày thể thao Việt Nam”.
Cuộc họp của Nha thanh niên và thể dục chiều ngày 27 tháng 3 năm 1946
Trong hầu hết các hoạt động của Nha Thanh niên và Thể dục nhất là hoạt động TDTT đều có quan hệ mật thiết với sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng thanh niên Trung ương và phòng thể dục Trung ương. Chiều ngày 27 tháng 3 năm 1946, Nha Thanh niên và Thể dục tiến hành họp dưới sự điều khiển của ông Dương Đức Hiền, Tổng giám đốc Nha đã quán triệt bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên tờ báo Cứu quốc. Tất cả cán bộ của Nha rất phấn khởi, nhận thấy đây là nguồn cổ vũ lớn cho sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của TDTT cách mạng vì dân vì nước Việt Nam. Cuộc họp đã quyết định tổ chức “Ngày thanh niên vận động” và phát động phong trào “Khỏe vì nước” với sáng tác bài hát “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia”. Nội dung bài hát này phản ánh khái quát giá trị của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài báo “Sức khỏe và thể dục”. Tác giả bài hát này, lời của Huy Khôi, nhạc của Hùng Lân.
Ngày “Thanh niên vận động” diễn ra như sau: Chiều ngày 25 tháng 5 năm 1946 có trận giao hữu bóng đá giữa đội Vệ quốc quân và đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến xem, động viên, Ban tổ chức mời Người xuống sân đá quả bóng danh dự, mở đầu cho trận giao hữu. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, bắt đầu từ 5 giờ sáng, phố phường Hà Nội tưng bừng, rộn ràng hẳn lên khi cuộc diễu hành của các đơn vị tự vệ chiến đấu, thanh niên trong các trường học, khu phố diễn ra rầm rộ trên hầu khắp các đường phố lớn của 5 cửa ô, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Nhiệt liệt hưởng ứng lời hô hào tập thể dục của Hồ Chủ tịch!”, “Khỏe để giữ vững non sông, khỏe để xây dựng nước nhà”. Các đoàn diễu hành cuối cùng kéo về khu Đông Dương học xá (khu trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội hiện nay). Trong cả ngày 26 tháng 5 năm 1946 diễn ra các hoạt động sôi nổi như cắm trại, thi đồng diễn bài thể dục phổ thông, thi văn nghệ của thanh niên các đơn vị.
Buổi tối ngày 26 tháng 5 năm 1946, Ban tổ chức “Ngày thanh niên vận động” tiến hành lễ phát động phong trào “Khỏe vì nước”. Đúng 19 giờ 20 phút, hàng nghìn người vô cùng phấn khởi, và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ. Người tiến lên lễ đài châm ngọn đuốc vào đài lửa rồi đứng trước máy phóng thanh phát biểu động viên, chỉ đạo: “Bác mong muốn ngọn lửa thiêng này tỏa sáng từ thủ đô Hà Nội. Cổ vũ cho phong trào khỏe vì nước ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Chỉ hai tháng sau khi được phát động ở thủ đô Hà Nội, phong trào “Khỏe vì nước” đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến Nam Trung Bộ nước ta, các tỉnh Nam Bộ đang diễn ra cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Dân chúng, nhất là thanh niên ở thành thị và nông thôn, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức ở các cơ quan, công nhân ở các xí nghiệp, học sinh và sinh viên trong trường học các cấp hưởng ứng phong trào “Khỏe vì nước” ngày càng đông đảo, ngày càng sôi nổi. Lực lượng vận động viên ở các tỉnh, thành phố tăng cường rèn luyện thể lực, kỹ năng, ý chí sẵn sàng tham dự các giải thể thao do Nha thanh niên và thể dục tổ chức. Đến cuối năm 1946 phong trào “Khỏe vì nước” đã đạt tới tầm cỡ của một nền TDTT cách mạng vì dân vì nước, chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Như vậy, cuộc họp của Nha thanh niên và thể dục chiều ngày 27 tháng 3 năm 1946 đã quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài báo “Sức khỏe và thể dục”, khởi xướng “Ngày thanh niên vận động” và phát động phong trào “Khỏe vì nước”, khai sinh nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới. Cuộc họp này thực sự là một sự kiện lịch sử quan trọng của “Ngày thể thao Việt Nam”.
Trên đây là ba sự kiện lịch sử quan trọng đều diễn ra trong ngày 27 tháng 3 năm 1946. Từ những sự kiện lịch sử quan trọng đó Nhà nước đã quyết định ngày 27 tháng 3 hàng năm làm “Ngày thể thao Việt Nam”. Quyết định này hoàn toàn đúng đắn, rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển mạnh mẽ nền TDTT nước ta những thập niên vừa qua, hiện nay và trong tương lai.