Khánh Sơn: Hồ tiêu bị chết và nhiễm bệnh
- Thứ năm - 30/03/2017 11:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 1/3 diện tích bị thiệt hại
Huyện Khánh Sơn có tổng diện tích trồng hồ tiêu khoảng 88ha. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, do mưa nhiều khiến hơn 30ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có 3ha bị chết. Tại các xã trồng nhiều hồ tiêu như: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp, không khó để bắt gặp những vườn hồ tiêu lá úa vàng, thậm chí chết khô.
Vườn hồ tiêu của ông Mấu Xuân Hồng đã bị chết |
Ông Mấu Xuân Hồng - thôn Kô Lăk (xã Sơn Bình) cho biết, nhà ông có 2 sào hồ tiêu đã cho thu hoạch. Mấy năm trước, mỗi sào hồ tiêu cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, nhưng năm nay, toàn bộ diện tích trên đồng loạt bị chết khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẩn. Mấy tháng nay, vợ chồng ông phải đi làm công cho người ta để có tiền trang trải cuộc sống.
Ở xã Sơn Lâm, gần 2ha hồ tiêu của gia đình ông Tùng (thôn Cam Khánh) đều đang trong tình trạng lá úa vàng. “Trước Tết Nguyên đán, 4.000 trụ tiêu của gia đình tôi vẫn đang xanh tốt, trái ra rất nhiều. Nhưng đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch, cây bị bệnh, lá vàng, trái bị thối đen hết cả”, ông Tùng cho biết.
Ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết, toàn xã hiện có 24ha hồ tiêu, trong đó có 14ha bị nhiễm bệnh và 6 sào đã bị chết. Nhưng con số này vẫn tiếp tục tăng, bởi đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn bệnh trên cây hồ tiêu. Theo ông Quang, dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến rất phức tạp, không chỉ ở diện tích đất ẩm thấp mà cả trên đồi cao cũng bị. Mấy tháng qua, người trồng hồ tiêu tìm đủ loại thuốc để chữa trị nhưng đều không hiệu quả. Rất nhiều hộ đã tính đến chuyện phá bỏ cây tiêu để chuyển qua trồng các loại cây khác.
Chậm hỗ trợ cho người dân
Trong khi diện tích trồng hồ tiêu bị nhiễm bệnh, bị chết tăng lên từng ngày, thì Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn mới chỉ dừng lại ở mức đi thống kê số diện tích thiệt hại, chứ chưa có giải pháp cụ thể nào để hướng dẫn cho người dân cách phòng, trị bệnh. “Khi cây trồng bị bệnh, người dân chúng tôi rất muốn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của cơ quan chức năng để có cách trị bệnh cho cây được hiệu quả. Vậy nhưng, đến nay chưa có đơn vị nào chỉ cho chúng tôi biết cây bị bệnh gì, mua thuốc gì để trị bệnh, cách phòng ngừa bệnh lây lan…”, ông Mấu Xuân Hồng cho biết.
Ông Lê Anh Quang chia sẻ: “Tôi làm nhiệm vụ phụ trách nông nghiệp của xã, khi thấy tình hình dịch bệnh tôi có báo với cơ quan chuyên môn và đề nghị có giải pháp hỗ trợ cho người dân phòng, chống bệnh. Nhưng đã mấy tháng nay, không thấy có một lớp tập huấn, hướng dẫn nào về vấn đề này. Do người dân tự mày mò tìm cách chữa bệnh nên vừa tốn kém mà không có hiệu quả”.
Ông Trần Anh Việt - Phó phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn cho biết, cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh là do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều gây ngập úng, nấm bệnh phát triển. Trong khi đó, người dân có tâm lý chủ quan không thực hiện đúng các bước kỹ thuật trong việc chăm sóc cây hồ tiêu. Khi cây bị bệnh, nhiều hộ không mua thuốc trị cho cây, những hộ mua thuốc lại mua không đúng loại nên trị bệnh không hiệu quả. Ông Việt cũng thừa nhận, từ khi phát sinh bệnh trên cây hồ tiêu, trạm mới chỉ cử người đi nắm tình hình diện tích bị ảnh hưởng, còn việc tập huấn, hướng dẫn cho người dân điều trị bệnh vẫn chưa được thực hiện. “Chúng tôi vừa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng phương án mua thuốc để phát cho người dân. Cùng với đó, sẽ mở các lớp tập huấn, hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc cho người dân để trị bệnh cho cây hồ tiêu. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang chờ kinh phí để thực hiện”, ông Việt nói.
Có thể thấy, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cây hồ tiêu, số diện tích còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa tích cực. Nên chăng, cơ quan chuyên môn của huyện Khánh Sơn cần có sự chủ động để hỗ trợ người dân nhằm khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại.