Mùa lúa rẫy Khánh Sơn

Thứ bảy - 31/12/2016 07:07
Khi cái gió se lạnh tiết trời giao mùa về trên palơi, khi cây hoa bông trắng nở khắp núi rừng cũng là báo hiệu cho mùa thu hoạch lúa trên palơi Khánh Sơn đã về

Đến với miền núi Khánh Sơn vào những tháng cuối năm (11,12 âm lịch), chen giữa những đồi núi non điệp trùng xanh thẳm là những rẫy lúa chín vàng bạt ngàn của người dân Raglai nơi đây.
Từ lâu người Raglai quý yêu giống lúa rẫy ( Padai apu), giống lúa có hạt rất to, hạt dài hơn các loại lúa khác, có lẽ sống giữa cái nắng cái gió của đại ngàn kết tinh “nguồn sinh khí” giữa đất và trời nên những hạt lúa rẫy rất thơm,khi nấu cơm hương bay phủ đầy khắp cả gian nhà, người Raglai hay bảo nhau rằng “ Đấy là hương của Yàng lúa, của tổ tiên về chung vui bữa cơm cùng con cháu Raglai”. 

Đồi lúa rẫy chín vàng

Người Raglai lâu nay vẫn trồng padai apu theo phương pháp truyền thống trên lưng chừng đồi, núi dốc cheo leo, Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 4-5 âm lịch, người Raglai lại đem lúa lên trĩa trên những mảnh rẫy vừa mới đốt, đàn ông cầm  “chanơr” chọt lỗ đi trước, người phụ nữ cầm “đit padai” đựng lúa theo sau, bỏ lúa vào từng lỗ rồi lấp lại. Những hạt lúa sau khi được xuống giống chủ yếu “uống” nước từ những cơn mưa rừng, hay những giọt sương sớm để vươn mình nảy mầm xanh. Thời gian sinh trưởng của Padai apu khoảng từ 5-6 tháng. Lúa rẫy không tốn nhiều công chăm bón, sự sống của nó đều nhờ vào sương trời gió núi và cũng vì người Raglai tin rằng đã có tổ tiên, có Yàng chăm coi.

Bông lúa rẫy nặng trĩu hạt

Khi cái gió se lạnh tiết trời giao mùa về trên palơi, khi cây hoa bông trắng nở khắp núi rừng cũng là báo hiệu cho mùa thu hoạch lúa trên palơi Khánh Sơn đã về. Người Raglai quan niệm, vạn vật đều có linh hồn, cũng biết buồn, biết vui … nên khi những cây lúa đến mùa thu hoạch, bà con chỉ được dùng tay để tuốt từng bông lúa nặng trĩu bỏ vào “toq” nhỏ đeo bên hông,  người Raglai không dùng liềm để cắt vì tin rằng nếu cắt sẽ làm đau thân lúa, linh hồn của lúa, của cha ông cũng sẽ đau nên những mùa rẫy sau sẽ không cho hạt nữa, mùa màng sẽ bị sâu bệnh, thú rừng vô phá.

Sàng lúa cho sạch

Thu hoạch xong vụ mùa, lúa đã về chất đầy “pừq” đựng lúa, người Raglai sẽ chọn ra những hạt lúa căng tròn, khỏe mạnh cất giữ để dành làm giống cho mùa rẫy năm sau.

Hạt lúa rẫy to dài

Và cũng lúc này đây, họ sẽ dùng thành quả vụ mùa giã lấy gạo, nấu cơm, gói bánh, làm ché “tapai”  để làm lễ “ăn đầu lúa mới” cúng Yàng, tổ tiên để tạ ơn  và cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu trong những mùa rẫy về sau. Không khí đón mừng lúa mới rộn ràng khắp palơi, trong mỗi nhà sàn của người Raglai,  những tiếng hát alơu rutu, siri, akhat jucar … hòa nhịp trong tiếng chiêng Mã la lại rộn ràng vang lên giữa đại ngàn núi rừng Khánh Sơn.

Rộn ràng Lễ ăn đầu lúa mới trên Palơi

Tác giả bài viết: Mấu Săn (dulichkhanhson.vn)

 Từ khóa: Khánh Sơn, Raglai, Lúa rẫy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây