Dưới đây là năm cung đường đẹp, độc đáo, mang lại cho các bạn trẻ những trải nghiệm thú vị cho một chuyến đi đầy cảm hứng và sáng tạo.
1. Cung đường TP.HCM - Đà Lạt
Từ TP.HCM tới ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) thì rẽ quốc lộ (QL) 20 để đi Đà Lạt. Đây là cung đường được coi là đẹp nhất vào tất cả mùa trong năm.
Cung đường này có gì hấp dẫn phượt thủ? Đó là người đi phải chinh phục đèo Bảo Lộc với 107 khúc cua gấp chỉ trong 10,5 km. Leo đèo Bảo Lộc bạn sẽ có cảm giác như đi qua từng mùa trong năm, khi thì thấy những cây rụng trụi lá, khi thì thấy hoa nở trên đồi, khi thì thấy sương mù trên đỉnh núi nhưng nắng lại lung linh dưới chân. Trên cung đường này bạn có thể nghỉ chân ở Madagui, một khu du lịch nằm ngay Km 152, khu phố 1, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng).
Nếu bạn thích sự hùng vĩ của thác thì cách Đà Lạt 50 km, thác Pongour bảy tầng gầm thét suốt đêm ngày. Để vào được thác, bạn đi đến Km 260 thuộc huyện Đức Trọng, rẽ trái đi vào khoảng 7 km bạn sẽ thấy được khu thác độc đáo này. Dòng thác chảy qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng với độ cao gần 40 m. Từ giữa thế kỷ 20, thác này đã được mệnh danh là "Nam Thiên đệ thất thác".
Ngoài ra, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác ngoạn mục khi tiếp tục chinh phục đèo Prenn để tới xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.
2. Cung đường quốc lộ 55 (Sài Gòn - Bình Thuận)
Nếu bạn là người thích ngao du sơn thủy thì cung đường này là phù hợp nhất khi có đầy đủ biển và núi như sở thích của bạn. Cung đường này bạn sẽ đi qua La Gi, Kê Gà, Bàu Trắng,...
QL55 rẽ vào đường biển La Gi-Kê Gà, cảnh trên đường đi thì đẹp miễn chê. Đâu đâu bạn cũng có thể thấy vườn thanh long (nhưng trái thanh long chín đỏ thì còn tùy vào mùa). Trên cung đường này bạn còn được trải qua những ruộng muối trắng tinh, lóa cả mắt (nên đeo kính mát khi tham gia phượt cung đường này nhé).
Để đến được các địa điểm du lịch trên đường đi, đầu tiên bạn hãy hỏi thăm để đến tham quan đảo Kê Gà. Để ra được đảo bạn phải thuê canô chở đi, thường thì giá dao động 50.000-100.000 đồng/người.
Sau khi tham quan đảo Kê Gà thì bạn có thể tham quan các địa danh trên đường đi như dinh Thầy Thím, đồi thông, bãi đá Ông Địa, Làng Chài, Suối Hồng, Hòn Rơm, Bàu Trắng (tiểu sa mạc Sahara). Đặc biệt là bạn sẽ thú vị với khu Cổ Thạch - bãi đá bảy màu.
3. Cung đường Di Linh - Gia Nghĩa - Sài Gòn
Đó là QL28 từ Di Linh (Lâm Đồng) đi Gia Nghĩa (Đắk Nông) rồi từ Gia Nghĩa ngược QL14 về Sài Gòn. Nếu bạn là dân phượt chuyên nghiệp thì không thể bỏ qua cung đường này. Đây là cung đường ấn tượng khi đường đèo dốc ngoằn ngoèo, thích hợp với những người thích chinh phục thử thách.
Đoạn QL28 từ Di Linh đến Gia Nghĩa thiên nhiên còn khá hoang sơ và hùng vĩ, đường ngoằn ngoèo lại hay cua gấp nên sẽ tạo cảm giác gay cấn đối với các tay phượt. Vào buổi sáng đường có sương mù giăng dày đặc tạo sự mờ ảo, huyền bí. Đồng thời, bạn sẽ đi qua một hồ thủy điện lớn mênh mông nước.
Đặc biệt, bạn sẽ ấn tượng với thác Liêng Nung (thuộc địa phận Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa). Thác cao khoảng 30 m nằm giữa núi rừng hoang sơ, dòng thác đổ xuống từ vách đá một dòng trắng xóa làm bụi nước bay mịt mù.
Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung - Nậm N’Jang - Đắk G’long cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 30 km là thác Lưu Ly. Đây là khu thác đẹp và nổi tiếng nhất ở Đắk Nông. Dòng nước trong vắt hòa cùng núi rừng xanh mơn mởn sẽ là điểm tham quan lý tưởng dành cho dân phượt khi đi qua cung đường này.
Khi tới Gia Nghĩa thì bạn có thể nghỉ ngơi, ăn uống, sau đó ngược QL14 về Sài Gòn. Đoạn đường này hiện khá bằng phẳng và dễ đi. Điểm nhấn của đoạn đường này là những đồi cao su thẳng tắp sâu hun hút. Có nhiều quán nước (có võng) ven đường nằm ngay trong vườn cao su mát rượi, bạn có thể nghỉ chân khi cần.
4. Cung đường Tuy Hòa - Quy Nhơn
Cung đường QL1A cập bờ biển đoạn từ Tuy Hòa (Phú Yên) đi Quy Nhơn (Bình Định), không phải đi theo đường đèo Cù Mông nhé. Cung đường này bạn sẽ được nhìn ngắm đầm Ô Loan rộng lớn và chiêm ngưỡng Gành Đá Dĩa, chùa Đá Trắng cùng những bãi biển mang vẻ đẹp tự nhiên, chưa được con người cải tạo nhiều.
Đầu tiên bạn nên tham quan cụm du lịch Gành Đá Dĩa và hải đăng Gành Đèn vô cùng nổi tiếng ở địa phận huyện Tuy An (Phú Yên). Từ TP Tuy Hòa đi Quy Nhơn, cụm du lịch này nằm phía tay phải gần đầm Ô Loan, bạn phải rẽ một con đường phía tay phải đi một quãng đường dài chừng 20 km nữa mới tới Gành Đá Dĩa. Nhìn từ xa, Gành Đá Dĩa như một tổ ong khổng lồ với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau.
Nước trong veo kết hợp với đá đen mang lại cho bạn cảm giác vô cùng dễ chịu. Cách Gành Đá Dĩa không xa là hải đăng Gành Đèn nhìn rất hùng vĩ. Tuy nhiên hải đăng này du khách chỉ nhìn ngắm chứ ít khi có người lui tới đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham quan chùa Đá Trắng, cầu gỗ Ông Cọp, đập Tam Giang,… tại khu vực này nữa.
Đoạn đường địa phận thuộc huyện Tuy An bạn sẽ chỉ thấy biển ở xa xa, tuy nhiên khi tới địa phận huyện Sông Cầu (Phú Yên) thì biển đã hiện rõ cho bạn thỏa sức mà nhìn ngắm. Tại cung đường này, bạn sẽ được tận hưởng những bãi biển còn hoang sơ nhưng cảnh thì đẹp khỏi bàn cãi như bãi Tràm, bãi Nồm hay bãi Ôm.
Còn rất nhiều những khung cảnh đẹp cho bạn tha hồ khám phá trên cung đường từ Tuy Hòa đi Quy Nhơn này nhé.
5. Cung đường Nha Trang - Đà Lạt
Từ trung tâm TP Nha Trang theo QL1A đi ngược lại về thị trấn Diên Khánh, khi qua khỏi thị trấn một đoạn sẽ có biển hướng dẫn bên phải rẽ vào con đường đi Đà Lạt qua đèo Hòn Giao (tốt nhất thì nên hỏi người dân địa phương để chắc chắn đi đúng đường). Cung đường dài khoảng 145 km băng qua Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, qua những rừng thông tuyệt đẹp của vùng ngoại ô Đà Lạt.
Đây là cung đường từ Nha Trang đi Đà Lạt ngắn nhất và thuận tiện nhất đối với các phượt thủ. Do đường cũng mới được làm lại nên dễ đi hơn dù có nhiều đèo dốc quanh co và cua gấp. Bên cạnh đó, bạn được đi qua nhiều khung cảnh đẹp của hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, trong đó có danh thắng thác Yangbay rất nổi tiếng của Khánh Hòa.
Trên đường đi bạn có thể dừng lại để check in bất cứ khung cảnh nào bạn thích. Vì cung đường này rất nhiều cảnh vừa đẹp lại hoang sơ với đồi thông, phiến đá, cỏ cây,…
Tác giả bài viết: Theo Võ Nguyên (Pháp luật TPHCM)
Nguồn tin: 24h.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...