Những nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai

Thứ hai - 12/12/2016 05:30
Các loại nhạc cụ độc đáo của người Raglai như: chiêng Mã La, đàn đá, kèn sarakel, đàn Chapi...luôn được trình tấu trong các dịp lễ hội bỏ mả, lễ mừng lúa mới, hát sử thi…Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Raglai, nhạc cụ luôn là của quý, là vật thiêng, là người bạn tâm giao không thể thiếu vắng. 
Đàn Chapi
 

Trên vùng đất cư trú của người Raglai ở vùng Khánh Sơn tỉnh Khánh Hoà từ nhiều đời nay đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ độc đáo, đó là đàn đá. Đàn đá được phát hiện một cách tình cờ khi đồng bào tìm thấy những phiến đá phát ra tiếng kêu. Ban đầu người Raglai dùng đá kêu để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng. Sau này người Raglai chế tác thành bộ đàn đá phục vụ trong các sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu cây đàn đá Khánh Sơn được phát hiện tại đây có tuổi từ 3000 -5000 năm, cùng thời với cây đàn đá đầu tiên do người Pháp phát hiện vào năm 1949 ở Tây Nguyên. Ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian người  Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà, cho biết: “Nói đến đàn đá Khánh Sơn là nói đến văn hoá của người Raglai. Năm 1979 tại Gốc Gạo, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà, các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ đàn đá đầu tiên gồm 12 thanh do ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai phát hiện và gìn giữ. Chất liệu là loại đá kêu ở địa phương. Các nhà nghiên cứu đã thẩm định đây là bộ đàn đá có lịch sử từ 3000-5000 năm”.

Chỉ với những phiến đá thô, tưởng như vô tri, vô giác, người Raglai chế tác ra những bộ đàn đá cất lên âm hưởng thanh thót như tiếng vọng của đại ngàn vang vọng đến ngày nay. Người Raglai còn có một nhạc cụ không thể thiếu trong mọi sinh hoạt cộng đồng đó là Mã La (bộ chiêng bằng đồng). Mã La không có núm và quai xách, khi trình tấu, người chơi nắm bàn tay gõ vào mặt chiêng. Một bộ Mã La thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc tùy thuộc quan niệm của từng vùng. Người Raglai yêu quý Mã La nên trong một bộ Mã La, chiếc Mã La có âm trầm nhất được gọi là mẹ, rồi đến cha, kế tiếp là các con từ con cả đến con út. Âm thanh Mã La nghe trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của con người, khi sâu lắng, lúc lại rộn ràng âm vang trong lễ hội. Mã La thường được đánh khi thực hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống như: lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ ăn đầu lúa mới... Mã La cũng được dùng trong sinh hoạt đời thường, trong các cuộc vui của bè bạn, gia đình. Người Raglai thường nói: “ Hễ có rượu là có Mã La”.

Ngoài đàn đá, Mã La, người Raglai còn có đàn Chapi. Đàn Chapi (đàn koq t’lơr) được làm từ một mắt cây tre (hay Lồ ô) có chiều dài chừng hơn 30 cm và đường kính dưới 10 cm. Người ta tách vỏ ống tre để làm dây, sau đó vót thật nhẵn miếng tre nhét vào giữa hai sợi dây song song để làm ngựa cho dây đàn, cứ thế sẽ tạo ra từ 5 đến 8 dây. Khi chơi đàn, nghệ nhân áp một đầu ống tre vào bụng, hai tay nâng đàn và dùng ngón tay để bật những sợi dây tạo ra những âm sắc thật độc đáo.

Tiếng đàn Chapi gần giống với âm thanh của chiêng Mã La, nên đồng bào Raglai rất thích loại nhạc cụ này, bởi dễ mang vác, dễ sử dụng.Cây đàn Chapi đã gợi cảm hứng để nhạc sỹ Trần Tiến của Việt Nam viết lên ca khúc “Giấc mơ Chapi” bằng những ca từ mộc mạc, chân thành nhưng da diết: “Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai”...

Trong sinh hoạt âm nhạc, người Raglai còn có các loại nhạc cụ độc đáo khác như: Sáo Ta cung (sáo gọi bạn), Sáo đinh tút (sáo tỏ tình của các chàng trai). Khi đem lòng yêu thương ai rồi thì các chàng trai Raglai thường dùng sáo này để thổi xem như là tiếng lòng của mình cho các cô gái. Con cây sáo Tale piloi được coi cây sáo quyền lực của dân tộc Raglai. Người thổi sáo này rất được trọng vọng trong buôn làng. Tiến sỹ Phan Quốc Anh, nhà nghiên cứu về dân tộc Raglai, cho rằng:  “Hệ thống nhạc cụ của người Raglai như kèn bầu, kèn Xarakhel, đán đá, đàn Chapi, nhất là các bộ Mã La của người Raglai vô cùng độc đáo và phong phú.  Đây chính là những sản phẩm rất hấp dẫn để phát triển du lịch, nhất là thu hút khách du lịch quốc tế với sự hồn nhiên của nghệ thuật dân gian dân tộc Raglai”

Trải qua bao thời gian, âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của tộc người Raglai. Những nhạc cụ của người Raglai cũng chính là di sản văn hóa vật thể quý giá được người Raglai gìn giữ, để tiếng nói, tâm hồn người Raglai sống mãi với thời gian.

Tác giả bài viết: Tô Tuấn

Nguồn tin: vovworld.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây