Giữ nghề truyền thống Raglai

Thứ tư - 28/02/2018 09:34
Đan gùi, làm nỏ, chế tác đàn Chapi, kèn bầu… là những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn. Trải qua thời gian, nghề xưa dần mai một. May mắn thay, nơi đây vẫn còn một người miệt mài giữ và sống được với nghề - đó là nghệ nhân Mấu Hồng Thái.

Âm thầm bên dòng Tô Hạp

Mỗi lần đến xã Sơn Hiệp, chúng tôi đều ghé lại ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Mấu Hồng Thái bên dòng sông Tô Hạp chơi và xem già làm các loại dụng cụ, nhạc cụ.  Dưới mái hiên nhà, già mải miết vót từng sợi mây, chuốt từng thanh gỗ để làm gùi, làm nỏ. Năm từng năm, dáng ngồi của già như cong hơn, sức khỏe của già cũng không còn như trước, nhưng niềm yêu thích với nghề trong già vẫn không thay đổi. Có lẽ vì thế nên ánh mắt của già như đăm chiêu hơn khi nhắc đến chuyện giữ nghề, truyền nghề của cha ông để lại. “Trước đây, đàn ông Raglai chỉ được xem đã trưởng thành khi biết đan cái gùi để đi rẫy, biết làm cái nỏ để đi săn, biết làm đàn, làm sáo để đi vui chơi. Người nào đan được cái gùi vừa đẹp vừa chắc, làm được cái nỏ, cái tên săn được nhiều thú rừng, làm cái đàn Chapi có âm thanh hay thì càng được nhiều cô gái yêu thích”, già Thái kể lại.

Nghệ nhân Mấu Hồng Thái đang làm nỏ.

Già Thái vốn quê ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Năm 1970, già đi bộ đội đóng quân ở huyện Khánh Sơn. “Mình đi bộ đội ở đây rồi bị bắt rể (tục lệ kết hôn của người Raglai) nên ở Khánh Sơn từ hồi đó đến giờ. Sau khi xuất ngũ, mình có tham gia hoạt động chính quyền xã Sơn Hiệp. Đến lúc về nghỉ thì mình trở lại làm gùi, làm nỏ”, già Thái cho biết. Theo lời già kể, mục đích ban đầu của việc già làm ra các loại công cụ, nhạc cụ chỉ là để luyện lại tay nghề sau bao năm không thường xuyên làm. Trong làng bản nếu nhà nào có nhu cầu thì già bán lại kiếm thêm tiền mua gạo. Nhưng do ngày càng có ít người biết làm những vật dụng này, cộng với sản phẩm của già làm ra bền, đẹp, chắc chắn nên tiếng tăm của già được nhiều người biết đến. “Gùi của ông Thái đan đẹp và sử dụng được lâu lắm. Mỗi lần cần mua gùi tôi đều nói con cháu lên gặp ông Thái để đặt mua”, bà Mấu Thị Chín (80 tuổi) - thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc cho biết. “Tôi hay đặt ông Thái làm nỏ lắm. Trước đây dùng nỏ để đi săn thú rừng, bắn chim, nhưng bây giờ thì dùng nỏ để đi thi đấu mỗi lần xã, huyện tổ chức hội thi bắn nỏ. Nỏ của ông Thái làm cầm rất chắc tay, cánh nỏ có độ đàn hồi tốt, dây bền nên đường tên đi rất chuẩn”, ông Bo Bo Xiêm (60 tuổi) - thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc nói.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2004, già Thái mới chính thức làm những sản phẩm này dưới hình thức hàng hóa. Vẫn với những cách làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo, nhưng giờ đây các sản phẩm của già Thái làm ra đã có sự đa dạng về mẫu mã, kích thước, chủng loại. Bước vào nhà của già, không chỉ có những chiếc gùi, chiếc nỏ đơn thuần mà được già làm để bán theo từng bộ. Mỗi bộ bao gồm cả gùi, nỏ, đàn Chapi tùy theo kích thước và mục đích sử dụng, có giá thành dao động từ 750.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là giá dành cho những sản phẩm mang tính chất hàng lưu niệm để mọi người mua về treo hoặc làm đạo cụ biểu diễn. Còn với những chiếc gùi, chiếc nỏ, đàn Chapi được đặt hàng riêng để sử dụng vào mục đích lao động, thi đấu, hay nhạc cụ biểu diễn thì giá còn cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, già Thái còn làm thêm những chiếc kèn bầu, bình hồ lô. Từ việc làm các mặt hàng thủ công như trên, trung bình mỗi tháng già Thái có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng.

Không chỉ làm các loại dụng cụ, nhạc cụ, nghệ nhân Mấu Hồng Thái còn biết thổi kèn bầu, gảy đàn Chapi.

Để có thể làm ra những chiếc gùi, chiếc nỏ, cái đàn Chapi, việc khó nhất đối với già Thái lúc này là tìm được nguyên liệu vừa ý. “Ngày trước, rừng còn nhiều nên việc tìm nguyên liệu để làm gùi, làm nỏ còn dễ. Nhưng hiện nay, muốn có nguyên liệu phải đặt hàng ở xã Sơn Lâm, Thành Sơn”, già Thái cho biết.

Gùi, nỏ và đàn Chapi vốn dĩ là những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Raglai, nhưng theo sự phát triển của xã hội, người Raglai bây giờ ít sử dụng. Số người biết làm những vật dụng này chủ yếu là người già, nhưng cũng còn lại rất ít. Chính vì thế, tâm tư của già Thái lúc này là làm sao có thể chỉ dẫn để truyền nghề lại cho lớp trẻ. “Con cháu trong nhà bây giờ đi làm nhà nước hết nên cũng không có đứa nào chịu học nghề này. Còn thanh niên trong làng bây giờ cũng có những việc làm, thú vui khác nên không đứa nào chịu khó ngồi xem già làm chứ chưa nói đến chuyện học nghề. Rồi khi lớp già nếu như không còn thì không biết nghề của cha ông sẽ ra sao?”, già Thái băn khoăn.

Hy vọng trở thành sản phẩm du lịch

Việc làm âm thầm, miệt mài của già Thái có thể là hướng đi đối với việc sản xuất các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Mong ước của già cũng chỉ là để làm sao ngày càng có nhiều người biết đến những chiếc gùi, chiếc nỏ, cây đàn Chapi; để nghề truyền thống của người Raglai qua bao đời không bị thất truyền. “Mỗi lần có đoàn khách ở dưới xuôi đến tham quan và mua lại những sản phẩm mình làm thì mình thấy vui lắm. Như thế là sản phẩm của mình đã được đi xa hơn. Nếu được phục vụ khách du lịch nhiều hơn thì mình sẽ có cách để nói với đám trẻ học nghề này vì nó mang lại thu nhập”, già Thái tâm sự.

Khách hàng ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) đang chọn lựa gùi do già Thái đan.

Được biết, huyện Khánh Sơn đang đặt ra mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở địa phương. Theo ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương đang xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Để thực hiện chương trình này, huyện sẽ huy động các nguồn vốn để từng bước hình thành các điểm đến và tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân gian, đời sống, tập quán sản xuất của đồng bào Raglai. Thiết kế những tour tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của địa phương, trải nghiệm xem và làm thử các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Raglai. Huyện đã giao các đơn vị chức năng phối hợp với UBND xã Sơn Hiệp thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn cho du khánh tham quan, tìm hiểu về danh lam thắng cảnh, lịch sử văn hóa, đời sống, nghề truyền thống trên địa bàn xã.

Trong một lần trò chuyện với bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn khi đến tìm hiểu hoạt động du lịch ở Khánh Sơn, bà cho rằng nơi đây hoàn toàn có thể thực hiện được các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. “Những tour du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống của người dân bản địa đang là xu hướng chính của du lịch bền vững. Những địa chỉ như nơi sản xuất đồ thủ công truyền thống của ông Thái hoàn toàn có thể là một điểm tham quan của du khách. Nếu có sự quan tâm đầu tư, mở rộng mô hình sẽ mang lại lợi ích nhiều chiều khi vừa có thể bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo thu nhập cho người dân”, bà Xuân chia sẻ.

Còn ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã rất ủng hộ việc làm của già Thái. Địa phương cũng đang tìm các địa chỉ tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn, từ đó tiến đến việc mở các lớp dạy nghề cho thanh niên và sẽ mời già Thái cũng như một số cụ già còn biết nghề truyền dạy lại. Ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty du lịch Nha Trang Trẻ chia sẻ: “Công ty chúng tôi đã từng lên khảo sát hoạt động du lịch ở Khánh Sơn, với mong muốn có thể thiết kế tour, tuyến đưa khách lên đây. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây rất lớn và rất phù hợp. Những điểm tham quan như: vườn cây ăn trái, nhà dài, thác Tà Gụ, cảnh quan núi rừng và gia đình Raglai làm nghề thủ công truyền thống đều mang màu sắc độc đáo. Tuy nhiên, để loại hình du lịch trên phát triển, ngoài những sản phẩm mang tính chất tiền đề, địa phương cũng cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất du lịch, cũng như có giải pháp kêu gọi doanh nghiệp du lịch đưa khách đến đây”.

Mênh mang trong câu chuyện nghề của già Thái, chúng tôi hy vọng vào một ngày không xa nghề xưa không những không bị mai một mà còn được phát huy một cách thiết thực.

Tác giả bài viết: Nhân Tâm

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây