Từ ý chí của chàng trai trẻ…
Cách đây 18 năm, chàng thanh niên tuổi đôi mươi Đào Văn Yến (sinh năm 1978) ở tận Thanh Miện, tỉnh Hải Dương một mình tìm đến mảnh đất Sơn Bình lập nghiệp. “Thuở ấy, Sơn Bình còn heo hút lắm. Tôi lên đây thấy đất đai tươi tốt, nên vay mượn khắp nơi, cùng với trợ giúp của một số anh chị em trong gia đình, gom góp được 20 triệu đồng mua 2ha rẫy sâu trong núi tại xóm Cỏ, thôn Cầu Gỗ để trồng mía tím. Ban ngày đi làm thuê, ban đêm gánh nước tưới mía”, anh Yến nhớ lại.
Theo anh Yến, hồi đó, anh làm đủ nghề lao động chân tay để kiếm sống. Được ít tiền, anh lại gom góp đổ hết vào rẫy của mình. Cùng với diện tích mía tím ngày một tăng lên, anh còn đầu tư trồng 2 sào tiêu. Nhưng rồi khi cây tiêu sắp cho thu hoạch, những trận mưa rừng liên miên đã khiến cho loại cây vốn ưa chốn cao ráo này chết sạch. Không nản chí, từ số tiền bán mía tím, anh Yến quay sang trồng điều, nhưng sau 3 năm vun trồng, hiệu quả từ cây công nghiệp này không như mong đợi, anh lại buộc phải chặt bỏ, đưa cây cà phê vào thay thế. “Cà phê và mía tím khó có thể làm giàu, nhưng là cây trồng khá ổn định lúc bấy giờ. Cũng đủ cho gia đình đắp đổi qua ngày và tích góp mua thêm rẫy, phát dọn thêm diện tích đã có”, anh Yến cho biết.
Đến nay, gia đình của chàng trai quê Hải Dương sở hữu 12ha rẫy trồng rất nhiều cây ăn quả. Trong đó bao gồm: sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt, tiêu, cam, quýt, cà phê. Ngoài ra, anh còn thuê được 60ha đất để trồng keo. Đến nay, hầu hết diện tích keo đang ở độ tuổi trên 3,5 năm, khi cho thu hoạch (từ 5 đến 7 năm trồng) sẽ mang lại nguồn thu đáng kể. Không chỉ là một điểm sáng trong thực hiện có hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh còn kinh doanh vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản, đem lại thu nhập ngang với cây trồng. Chỉ tính riêng cây sầu riêng, mỗi năm, gia đình anh thu về 2,5 tỷ đồng tiền bán quả, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi ròng hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng năm, anh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 lao động và 18 lao động thời vụ có thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
… đến cử nhân tin học làm vườn giỏi
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tin học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thay vì tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn với ngành nghề mình học, anh Nguyễn ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) lại chạy ngược lên tận Sơn Bình để… đi buôn. Mô hình đầu tiên của cử nhân trẻ này là bán phân bón và thu mua cà phê. Rồi đầu tư máy móc, đi múc đất thuê kiếm sống. Số tiền kiếm được, anh xoay qua mua 7ha rẫy, trồng đủ thứ loại cây. Cây nào cũng tươi tốt, được mùa, nhưng giá cả nông sản lại bấp bênh. Anh kể, giai đoạn 2003 - 2004, giá cà phê đang ở mức 30.000 đồng/kg bỗng rơi xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg. Cây tiêu, năm được mùa giá lại không cao… Thất bại cũng nhiều, nhưng phía sau đó cũng là những bài học kinh nghiệm quý để những người nông dân như anh Nguyễn đúc rút, quyết tâm đổi thay, thích ứng. Đến nay, gia đình tỷ phú này sở hữu gần 20ha cây ăn quả, trong đó cây sầu riêng đang cho nguồn thu chủ yếu, còn các loại cây ăn quả khác như: măng cụt, cam, bưởi… anh vừa mới trồng được 3 - 4 năm. 2.000 gốc sầu riêng mỗi năm mang lại cho anh 5,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi hơn 3 tỷ đồng.
Năm rồi anh mới đổi sang chiếc ô tô khác, trị giá hơn 2 tỷ đồng để xuôi ngược về Cam Đức, quê anh cho thuận tiện. “Hiện nay, tôi vẫn muốn tìm kiếm cho mình những người cùng chí hướng, siêng năng và trung thực để cùng thực hiện giấc mơ làm giàu. Bởi với diện tích lớn, trồng nhiều loại cây, kiến thức chăm sóc cây ăn quả là rất lớn, nên quá trình tìm người thích hợp, có thể cùng mình quán xuyến là không dễ dàng”, anh Nguyễn bày tỏ.
Đa dạng cây trồng
Qua những thành quả bước đầu của 2 nông dân được đứng vào top 10 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2017 kể trên, có thể thấy con đường mà họ đã qua chứa đựng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thể hiện được ý chí, quyết tâm rất lớn. Điều đúc kết lại đó chính là việc phải tích tụ đủ diện tích và trồng nhiều loại cây mới có thể trụ vững được trước những biến đổi liên tục của thị trường.
Sơn Bình là thủ phủ của cây ăn quả ở Khánh Sơn. Nơi đây đang ghi dấu đậm nét nhất trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi này. Nhưng mỗi giai đoạn lại gắn với 1 cây trồng chủ lực và bây giờ, mô hình trồng đa dạng các loại cây đang là hướng đi được nhiều nông dân theo đuổi. Chẳng hạn như 12ha rẫy của gia đình anh Đào Văn Yến có 1.400 gốc sầu riêng, 400 cây bưởi, 400 trụ tiêu, 1.000 cây cam, quýt, hơn 100 cây măng cụt…; còn anh Đậu Dương Trần Nguyễn trồng trên diện tích gần 20ha rẫy của mình 2.000 cây sầu riêng, 1.000 cây măng cụt, hơn 1.000 gốc bưởi, hàng trăm gốc chôm chôm… Theo anh Nguyễn, số lượng, diện tích cây trồng cần phải đa dạng để người trồng không phải lệ thuộc quá lớn vào 1 loại cây nào; để khi cây này mất mùa, cây kia mất giá… thì vẫn có những cây trồng khác có thể cứu nông dân khỏi rơi vào cảnh trắng tay chỉ sau một vài mùa vụ thất bát. Cũng với quan điểm trên, anh Yến chia sẻ: “Việc lựa chọn nhiều loại cây trồng được đúc rút sau một quá trình gắn bó với nhiều cây trồng ở đây. Mỗi cây có những đặc tính và ưu khuyết điểm riêng. Chẳng hạn như cây chôm chôm, tuy giá trị kinh tế không cao lắm, chưa bằng sầu riêng, nhưng hơn hẳn cà phê và đặc biệt đây là một cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/cây/năm. Khi cây trồng chủ lực bị ảnh hưởng, sẽ có những cây trồng khác trợ lực, chí ít là giúp nông dân không bị thua lỗ nặng nề”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, những năm qua, đời sống sản xuất nông nghiệp của xã có những bước phát triển quan trọng. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, người dân đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây ăn quả. Diện tích gieo trồng toàn xã là 710ha, hơn 520ha trong số đó là cây lâu năm bao gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, chuối, sầu riêng, mít, chôm chôm, măng cụt, bưởi, cam, quýt. Những năm gần đây, bên cạnh cây sầu riêng đóng vai trò chủ lực, nhiều hộ nông dân đã chuyển một số diện tích cây trồng khác sang trồng bưởi da xanh và quýt đường. Đến hết năm 2016, toàn xã mới chỉ có khoảng 20ha bưởi, nhưng chỉ trong năm 2017, người dân đã chuyển đổi trồng thêm 28ha bưởi, nâng tổng diện tích bưởi lên gần 50ha. Tương tự, diện tích trồng quýt cũng đang có bước phát triển mạnh mẽ. Toàn xã hiện có gần 40ha quýt, trong số đó có 24ha được phát triển trong năm 2017.
Tác giả bài viết: Hồng Đăng
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...