Quy định về cộng điểm
Theo Thông tư 11/2014 của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, những năm gần đây, Sở GD-ĐT Khánh Hòa quy định các đối tượng HS tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được cộng điểm khuyến khích gồm: HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa. Trong đó, giải nhất được cộng 2 điểm, giải nhì cộng 1,5 điểm, giải ba cộng 1 điểm, giải khuyến khích cộng 0,5 điểm. Bên cạnh đó, HS đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành (Vật lý, Hóa học, Sinh học), thi văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng, cuộc thi khoa học kỹ thuật, viết thư quốc tế do Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học cũng được cộng điểm. Ngoài ra, HS được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở cấp trung học hoặc có chứng chỉ Tin học từ trình độ A trở lên do sở tổ chức và cấp sẽ được cộng theo các mức 0,5 điểm, 1 điểm, 1,5 điểm tùy theo chứng nhận đạt loại trung bình, khá, giỏi…
Tuy nhiên, theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD-ĐT công bố thì các đối tượng HS trên sẽ không được cộng điểm khi tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, quy định của bộ xuất phát từ việc ở nhiều địa phương có quá nhiều cuộc thi, một số cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích lấy điểm, lấy giải, dẫn đến biến tướng các sân chơi trí tuệ; việc cộng điểm khuyến khích cũng không đồng bộ, trong đó vai trò của một số môn học chính lại nhạt nhòa so với một số cuộc thi khác.
Băn khoăn bỏ cộng điểm nghề
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại nếu dự thảo trên được thông qua thì HS THCS liệu có còn mặn mà với học nghề? Bởi hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở cấp THPT là nội dung bắt buộc với thời lượng 105 tiết (3 tiết/tuần), còn ở cấp THCS là nội dung tự chọn với thời lượng 70 tiết (2 tiết/tuần). Những năm qua, việc cạnh tranh vào lớp 10 các trường THPT top đầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Nha Trang rất căng thẳng. Chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm là sẽ có người đậu, người rớt. Vì thế, hầu hết HS đều đăng ký học và thi nghề để được cộng điểm. Theo cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang), nếu đã tổ chức học nghề phổ thông thì nên cộng điểm thi nghề cho các em như lâu nay. Còn nếu không cộng điểm, hầu như HS sẽ không đăng ký học nghề. Em Nguyễn Thị Hà Trang (Trường THCS Âu Cơ, Nha Trang) chia sẻ: “Chúng em đăng ký học và thi nghề chủ yếu để được cộng điểm khi xét tuyển vào lớp 10. Nếu bỏ cộng điểm thì em sẽ không đăng ký học vì việc học chiếm thêm thời gian, trong khi thời lượng học chính khóa đã rất nặng rồi”.
Theo bà Hoàng Thị Lý, đối với các cuộc thi ghi nhận sự cố gắng của HS như thi nghề phổ thông, thi HS giỏi các môn văn hóa thì nên cộng điểm khuyến khích cho các em. Bởi việc học và thi nghề là cần thiết. Điều quan trọng là phải tổ chức dạy và học nghề bài bản hơn, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy nghề. Kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cũng là kỳ thi quan trọng, được tổ chức bài bản, nghiêm túc. Để đạt giải ở cuộc thi này đòi hỏi cả quá trình học tập, nỗ lực của HS qua nhiều năm cũng như đầu tư học chuyên sâu hơn về môn mà các em dự thi. Trong khi đó, phong trào HS giỏi đang cần được khuyến khích phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục của các trường và của ngành. Nếu cộng điểm khi tuyển sinh vào lớp 10, các em sẽ có thêm động lực để phấn đấu.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên cộng điểm thi nghề cho HS khi tuyển sinh vào lớp 10. Giáo viên một trường THCS ở TP. Nha Trang cho rằng, việc tổ chức học và thi nghề vẫn còn mang tính hình thức; các thầy cô đều có tâm lý muốn tạo điều kiện cho HS đạt kết quả cao để được cộng điểm khuyến khích trong các đợt xét tuyển nên điểm thi nghề không thực chất và không công bằng cho các HS. Nếu đồng loạt HS không còn được cộng điểm nghề thì tuyển sinh vào lớp 10 sẽ công bằng hơn.
Thực tế hiện nay, việc dạy và học nghề được xem là còn nhiều bất cập. Chương trình dạy nghề còn nặng về lý thuyết, ít thực hành nên chưa tạo được nhiều hứng thú đối với HS. Cơ sở vật chất và các điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học của các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, nếu bỏ cộng điểm thi nghề cho HS, thì Bộ GD-ĐT cần có quy định đưa nội dung học nghề trở thành nội dung học bắt buộc ở cấp THCS và có các định hướng cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác dạy nghề - hướng nghiệp. Bộ cũng cần sớm xem xét và ban hành quy chế mới về tuyển sinh THCS và THPT để sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019.
Tác giả bài viết: H.NGÂN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...