Cách đây 72 năm, với lực lượng cách mạng đã được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, chớp thời cờ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lập ra chính quyền cách mạng trên toàn quốc.
Sau khi cách mạng giành được thắng lợi, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, nhằm tuyên bố với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới.
Với dung lượng 1.021 từ, Tuyên ngôn độc lập đã nêu lên những giá trị của văn minh nhân loại, những lẽ phải không ai chối cãi được về quyền con người, quyền dân tộc. Đồng thời, lên án đanh thép tội ác của chế độ thực dân, phát xít ở Việt Nam. Từ đó, khẳng định lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc Việt Nam về quyền được hưởng tự do và độc lập.
Có thể khẳng định, Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị thời đại sâu sắc.
Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập - văn kiện kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập cũng đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Với quyết tâm cao độ, trong 30 năm chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam đã liên tục kháng chiến và đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến có tiềm lực quân sự, kỹ thuật hiện đại hơn chúng ta rất nhiều lần. Nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập - văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Từ một xứ thuộc địa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc Việt Nam đã giành lại được tự do, giành quyền được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của dân tộc.
Cùng với Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hòa.
Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập - văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc. Tuyên ngôn độc lập khẳng định không phải chỉ thiểu số người mà tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng và đều được hưởng các quyền thiêng liêng con người, nhất là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ quyền chỉ dành cho một thiểu số trở thành quyền dành cho tất cả mọi người - đó là một đóng góp quan trọng, một bước tiến lớn về giá trị nhân văn, nhân bản, là sự bổ sung và phát triển tư tưởng của nhân loại về quyền con người.
Không chỉ dừng lại ở đó, trên cơ sở bổ sung và phát triển tư tưởng về quyền con người, Tuyên ngôn độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả một dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Tất cả mọi người trong xã hội đều có quyền bình đẳng, cho nên tất cả các dân tộc cũng đều có quyền bình đẳng.
Quyền được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả mọi người, cũng như của tất cả các dân tộc. Hơn nữa, một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh, chống phát xít mấy năm nay, dân tộc phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập. Đó là lẽ phải, chính nghĩa mà không ai chối cãi được. Đây là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.
Thứ tư, Tuyên ngôn độc lập - ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bộ trước toàn thể nhân dân Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới việc Việt Nam thoát ly quan hệ thực dân với Pháp, rằng thực sự Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập và quyết tâm cao độ của nhân dân Việt Nam để bảo vệ quyền tự do, độc lập.
Cùng với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam mới được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập đã góp phần thức tỉnh và cổ vũ, động viên to lớn các dân tộc đang bị áp bức ở Á, Phi, Mỹ Latinh, trước hết là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đang bị thực dân Pháp thống trị, vùng dậy đấu tranh theo tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Thứ năm, Tuyên ngôn độc lập - kết tinh các giá trị nhân văn cao cả của dân tộc và nhân loại.
Ra đời 72 năm, nhưng Tuyên ngôn độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc trên cả bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc, tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc… vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và loài người hết sức quan tâm.
Tuyên ngôn độc lập thực sự là bản Tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Tư tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn độc lập vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc.
Tác giả bài viết: P.V (Tổng hợp)
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...