Khan hiếm nguồn giống
Gia đình bà Đinh Thị Thu (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) đang chuẩn bị trồng thêm hơn 100 cây sầu riêng giống Mong Thoong (trồng xen cà phê) nhằm nâng cao thu nhập. Bà Thu cho biết: “Năm nay, việc mua giống sầu riêng không đơn giản như mọi năm. Cách đây gần 1 tháng, tôi phải chấp nhận mua cây giống mới được khoảng 10cm, chưa đủ điều kiện xuất vườn về để tự dưỡng. Muốn trồng thì phải đợi cây cao ít nhất hơn 20cm. Dự kiến đến khoảng cuối tháng 6 mới xuống giống được”.
Trước đây, gia đình bà Cao Thị Diễm Huynh (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) đã trồng được hơn 100 cây sầu riêng, năm 2017, bà dự định sẽ trồng thêm khoảng 800 cây (tương đương diện tích hơn 4ha). Tuy nhiên, hiện tại gia đình bà mới chỉ mua được vài chục cây tại địa phương. Bà Huynh cho biết: “Năm nay, cây giống sầu riêng đắt và xấu hơn mọi năm. Gia đình tôi đã phải vào tận miền Tây Nam Bộ để tìm mua nhưng chưa được. Một phần vì giá bán ở đó không thấp hơn ở đây bao nhiêu; một phần vì cây còn nhỏ quá, mua về trồng thì tỷ lệ sống thấp. Vì vậy, tôi phải đợi thêm thời gian nữa để chọn mua cây giống lớn hơn để trồng cho đảm bảo”.
Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, năm 2017, người dân trong xã đầu tư trồng thêm khoảng 40 - 50ha sầu riêng. Theo tìm hiểu, không chỉ tại Khánh Sơn mà ở nhiều địa phương khác hiện nay cũng đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này, dẫn đến nhu cầu về cây giống tăng, kéo theo giá bán cũng bị đội lên. Hiện tại, một số đại lý trên địa bàn đang bán từ 125.000 đến 150.000 đồng/cây, tùy theo loại (cao hơn năm 2016 từ 40.000 đến 60.000 đồng/cây). “Trên địa bàn xã Sơn Bình, người dân thường liên kết với nhau để vào miền Tây Nam Bộ mua cây giống tại các chủ vựa. Tuy nhiên, do nguồn cung cây giống tại đó hiện nay cũng khan hiếm, nên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ gom cả những cây giống chưa đủ tiêu chuẩn xuất vườn hoặc giống trôi nổi để bán. Nếu muốn mua được cây giống tốt thì phải đặt cọc tiền trước nhiều tháng tại những cơ sở có uy tín. Nhưng vì hiện tại, sầu riêng đang mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên người dân có tâm lý trồng sớm năm nào hay năm đó và đành chấp nhận mua cả cây giống trôi nổi”, ông Quang nói.
Không nên trồng ngoài vùng quy hoạch
Hiện tại, huyện Khánh Sơn có gần 500ha sầu riêng. Huyện không có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích loại cây trồng này ở những khu vực nằm ngoài vùng quy hoạch (như: đất lâm nghiệp, khu vực có độ dốc cao, xa nguồn nước tưới). Tuy nhiên, vì thấy giá bán sầu riêng tăng cao nên người dân không chỉ tự phát mở rộng diện tích ở những khu vực thấp, mà còn trồng ở cả những khu vực đồi cao, đất lâm nghiệp. Ông N.H.N - chủ một trang trại ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết, qua tìm hiểu được biết vùng đất Khánh Sơn rất phù hợp với cây sầu riêng nên ông đã mua 7ha đất tại thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp để canh tác loại cây trồng này. Do diện tích đất rộng, lại là khu vực đồi dốc nên ông phải đầu tư máy móc để san ủi, múc bậc thang giật cấp thì mới có thể trồng sầu riêng được. Sau đó, ông sẽ tiếp tục đầu tư khoan giếng để lấy nước tưới cho cây trồng.
Theo những người có kinh nghiệm, tuy sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng nếu người nông dân tự phát trồng ồ ạt thì rất có thể sẽ chịu thiệt hại lớn. Bởi trồng sầu riêng ở những khu vực đất lâm nghiệp, đất đồi dốc, người dân phải đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới do hạn hán kéo dài như những năm trước. Việc phát triển ồ ạt diện tích cây sầu riêng còn dẫn đến khả năng cung vượt quá cầu trong những năm tới. Và hệ lụy lớn nhất đó là người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và dẫn đến nguy cơ đánh mất thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được xây dựng nên trong những năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho hay, trước thực trạng này, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên tự ý mở rộng diện tích sầu riêng ngoài vùng quy hoạch, nhất là những khu vực không chủ động được nước tưới; tăng cường hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nhằm nâng cao hiệu quả những diện tích đã trồng. Huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của các tổ chức, gia đình, cá nhân tại các xã, thị trấn. Qua đó nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh các loại giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng; giúp người dân xác định và mua được cây giống tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo, tránh thiệt hại về kinh tế, nhất là bảo vệ thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn.
Tác giả bài viết: Đinh Luận
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...