Những trang sử hào hùng…
Một ngày cuối tháng 4, tôi ngược đèo Khánh Sơn lên thăm lại căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (một khu vực rộng lớn kéo dài từ xã Ba Cụm Nam đến xã Sơn Bình) - quê hương của đàn đá Khánh Sơn, nơi ẩn chứa những trầm tích văn hóa Raglai đầy mê hoặc. Và Tô Hạp còn lưu giữ những trang sử hào hùng như: chuyện du kích Năm Acho dùng tên độc bắt chết tên Thiếu úy Trần Châu, bẻ gãy cả trận càn của một trung đội lính bảo an; chuyện anh hùng Bo Bo Tới diệt máy bay địch bằng súng trường. Đặc biệt, Tô Hạp còn là nơi diễn ra những trận đánh quả cảm của quân và dân ta, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của quân Mỹ - Ngụy.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến tự hào nhắc lại, thời chống Mỹ cứu nước, địch thường xuyên mở những cuộc càn quét lớn lên căn cứ địa Khánh Sơn, hòng thực hiện mưu đồ dồn dân, lập ấp để tìm diệt cơ sở cách mạng của ta. Dù đói nghèo, thiếu thốn trăm bề, nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Địa hình núi rừng Khánh Sơn hiểm trở, phù hợp với chiến tranh du kích, nên hàng trăm trận càn quét tìm diệt của Mỹ - Ngụy đều bị thất bại thảm hại. Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Sơn còn ghi rõ, đầu tháng 6-1963, địch đã tổ chức cuộc hành quân rầm rộ mang mật danh “Thiềm đầu thủy”, huy động lực lượng khoảng 1.600 quân, 23 máy bay trực thăng, 2 máy bay trinh sát, 5 máy bay khu trục, một đại đội pháo 105 ly… Thế nhưng, dựa vào địa hình hiểm trở của rừng núi, lòng quả cảm của đồng bào Khánh Sơn, quân ta đã khiến cho địch chịu nhiều tổn thất. Sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch, địch phải lui quân, nhiều cánh quân của địch tiếp tục bị quân ta đánh phục kích… Chiến dịch “Thiềm đầu thủy” đại bại. Kể từ đó, giặc hãi hùng gọi vùng Tô Hạp là “thung lũng tử thần”, là vùng “đất chết”.
Những đổi thay ở vùng “đất chết”
Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Đồng bào Khánh Sơn thoát khỏi giặc thù, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng. Hơn ai hết, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn là người thấu hiểu cặn kẽ nhất sự đổi thay của quê hương. Trong ký ức của ông, cho đến thời kỳ tái lập lại huyện Khánh Sơn (năm 1985), Tô Hạp vẫn còn nghèo lắm. Nhà cửa toàn tranh tre, trung tâm huyện chỉ có vài mái nhà cấp 4, rừng núi thâm u, bệnh sốt rét hoành hành… Còn bây giờ, Tô Hạp đã là một thị trấn miền núi rất nên thơ. Tuyến đường Lê Duẩn đã mang dáng dấp phố thị. Buổi sớm mai, tôi leo lên đồi thông chỗ nhà máy nước Khánh Sơn nhìn xuống, Tô Hạp chìm trong sương sớm đẹp đến lạ. Những làn gió nhẹ tràn qua các con phố nhỏ đậm mùi cây cỏ, không khí dịu mát mà không quá lạnh. Trò chuyện với ông Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, được biết hiện nay, huyện Khánh Sơn đang đầu tư chỉnh trang đô thị như: nâng cấp các tuyến đường Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, đường D9 nối Tô Hạp với Sơn Trung, xây dựng nhà thiếu nhi… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Tô Hạp sẽ được công nhận là đô thị loại 4.
“Thung lũng tử thần” năm xưa giờ đã trở thành vùng đất của hoa thơm, quả ngọt. Từ Tô Hạp đi Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, Sơn Trung… dễ dàng bắt gặp những bãi mía tím xanh tốt, những vườn sầu riêng đang mùa đơm bông. Sầu riêng, mía tím của Khánh Sơn đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Quýt đường, bưởi da xanh… cũng đang cho thấy rất hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. Xã Sơn Bình, một trong những vùng đất thuộc căn cứ địa cách mạng Tô Hạp năm xưa nay đã trở thành thủ phủ cây ăn trái của Khánh Sơn. Những năm qua, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, đầu tư trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả cao. Trong đó, có những hộ gia đình như: Đào Văn Yến, Đậu Dương Trần Nguyễn… thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng; còn hộ thu nhập vài trăm triệu đồng thì nhiều không kể hết. Đến cuối năm 2018, Sơn Bình đã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ người Kinh, đời sống đồng bào Raglai cũng có nhiều thay đổi. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: cấp phát giống cây trồng, hỗ trợ vốn đầu tư, phân bón, xây dựng các mô hình kinh tế, làm đường vào khu sản xuất... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện nay, huyện Khánh Sơn đang tích cực vận động người dân giữ đất giữ rừng để sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Anh Bo Bo Khá (tổ dân phố Hạp Thịnh) chia sẻ: “Ngày xưa nhà mình nghèo lắm, cơm không đủ ăn. Hiện nay mình khá rồi. Nhà mình có khoảng 2ha đất vườn và đất rẫy, mình trồng sầu riêng, tiêu, nuôi bò…, mỗi năm thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng”. Tương tự, anh Bo Bo Châu ở thôn Dốc Gạo cũng có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm nhờ làm vườn.
Chia tay Khánh Sơn, tôi mang theo những hoài mong về ngày mai no ấm cho đồng bào nơi đây của ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện: “Tuy có nhiều đổi thay, nhưng Khánh Sơn vẫn còn khó khăn nhiều lắm. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) của huyện còn 44,09%. Mong muốn của chúng tôi là Tỉnh lộ 9 nối Cam Ranh - Khánh Sơn sẽ sớm được đầu tư mở rộng, để việc vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn, đời sống người dân được nâng cao hơn”.
Tác giả bài viết: XUÂN THÀNH
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...