7/7 xã hoàn thành tiêu chí giao thông
Khu vực sản xuất thôn Cô Róa (xã Sơn Lâm) rộng khoảng 200ha, với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp. Những năm trước đây, điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên giá cả vận chuyển hàng hóa nông sản tăng cao, làm giảm thu nhập của người dân. Năm 2017, huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm đường bê tông xi măng khang trang, rộng rãi, phương tiện giao thông có thể đi vào gần nương rẫy, giúp người dân vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. “Trước kia, đường xá đi lại khó khăn, chúng tôi vận chuyển các mặt hàng nông sản rất vất vả. Nhưng bây giờ, Nhà nước đã làm đường bê tông, đi lại thuận tiện, an toàn, không bị té, trượt như trước kia nữa. ”, ông Cao Xiêng A - người dân thôn Cô Róa, xã Sơn Lâm chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Hiệp, những năm qua, xã đã tập trung các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Năm 2016, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có tỷ lệ kilômét đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ kilômét đường thôn và đường liên thôn cứng hóa đạt 100%; 78% đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 81% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Qua đó, đã tạo diện mạo khang trang làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
“Đến nay, 7/7 xã của huyện Khánh Sơn đã được công nhận hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, khai thác tiềm năng đất đai, hình thành các khu sản xuất tập trung, từ đó nâng cao giá cả hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa
Với đặc thù miền núi, địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, hàng năm do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại Khánh Sơn bị hỏng. Một số tuyến đường do đã được xây dựng nhiều năm nên bị xuống cấp. Thế nhưng, nguồn kinh phí của các xã dành cho việc duy tu, sửa chữa đường giao thông hàng năm rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Đồng thời gây khó khăn trong việc duy trì mức độ đạt chuẩn về tiêu chí giao thông tại các xã.
Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, xã đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông NTM từ năm 2014. Song để đảm bảo duy trì tiêu chí giao thông bền vững, lâu dài thì địa phương còn gặp nhiều khó khăn. “Bởi hiện nay, trên địa bàn xã có một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp như: đoạn vào cầu treo thôn A Pa 2, đoạn từ Tỉnh lộ 9 vào khu vực Suối Chó… Nguồn ngân sách phân cấp của xã mỗi năm được 1 tỷ đồng, trong đó được trích khoảng 5% (tương đương 50 triệu đồng) để duy tu, sửa chữa, khắc phục những tuyến đường bị hư hỏng. Tuy nhiên, thực tế, với số tiền trên, xã chỉ có thể tiến hành phát dọn, khơi thông cống rãnh là chủ yếu, còn để duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng thì địa phương rất cần được cấp trên hỗ trợ về kinh phí”, ông Sáng nói.
“Hệ thống giao thông được đầu tư có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, hiện nay, các xã còn một số tuyến đường nội đồng đi vào các khu sản xuất còn khó khăn. Huyện cũng kiến nghị tỉnh và các ngành liên quan quan tâm hỗ trợ về kinh phí để làm mới, nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông để người dân đi lại, khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng sản xuất, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, vận chuyển hàng hóa và nâng cao giá cả các mặt hàng nông sản”, ông Sửu nói.
Tác giả bài viết: Đinh Luận
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...