Tháp Bà Ponagar qua Mộc bản triều Nguyễn

Thứ tư - 10/10/2018 09:14
Hình thành từ khoảng thế kỷ VIII-XIII, di tích Tháp Bà Ponagar đã được thể hiện trong nhiều tài liệu quý. Trong Mộc bản triều Nguyễn, câu chuyện về Tháp Bà Ponagar được khắc lại một cách chi tiết, cụ thể.

Theo bà Cao Thị Quang - công tác tại Phòng Tài liệu Mộc bản (thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - TP. Đà Lạt), hiện tại, đơn vị đang lưu giữ khối tài liệu quý hiếm Mộc bản triều Nguyễn. Trong bản khắc của sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt 18 có ghi chép truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar. Nội dung của những bản khắc đó chính là câu chuyện vẫn được lưu truyền trong dân gian qua bao đời nay. Ở đó, Tháp Bà Ponagar được gọi tên là Tháp cổ Thiên Y với những chỉ dẫn như sau: “Tháp cổ Thiên Y ở xã Cù Lao thuộc huyện Vĩnh Xương. Trên đỉnh núi có hai cây tháp, tháp phía tả cao 6 trượng, thờ tượng đá Thiên Y A Na Diễn Phi; tháp bên hữu cao 2 trượng thờ Bắc Hải thái tử. Tương truyền Thiên Y tiên nữ, trước giáng sinh ở núi Đại Điền…”.  Trong Mộc bản triều Nguyễn cũng nói rõ cách xưng tụng của người Chiêm Thành xưa đối với bà là Thiên Y A Na Diễn Bà Chúa Ngọc thánh bà. Các đời vua triều Nguyễn cũng đã phong tặng bà danh hiệu Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng Thượng đẳng thần. “Tháp Bà Ponagar là một trong ít các di tích được ghi khắc một cách cụ thể, trọn vẹn trong Mộc bản triều Nguyễn. Đó là minh chứng cho những giá trị văn hóa, tâm linh của quần thể di tích này trong chiều  dài lịch sử dân tộc”, bà Cao Thị Quang cho biết.

Di tích Tháp Bà Ponagar.

Ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Bảo tồn di tích (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) cho rằng, việc lưu giữ được bản khắc sách Đại Nam nhất thống chí nói về truyền thuyết, lịch sử, hình ảnh di tích thực sự rất có ý nghĩa đối với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Đây là nguồn tài liệu quý hiếm thể hiện cái nhìn của người xưa về tín ngưỡng tâm linh của người dân. Trong thực tế, câu chuyện về Thiên Y A Na về quần thể di tích Tháp Bà Ponagar lâu nay cũng đã được biết đến qua các tài liệu cổ như: sắc phong, bia ký… Thời gian tới, đơn vị sẽ liên hệ với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV để có thể thực hiện thủ tục sao chép hình ảnh những bản khắc này nhằm phục vụ cho công tác trưng bày, giới thiệu với du khách.

Truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar được ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn.

Có thể thấy nguồn thông tin về di tích cấp quốc gia Tháp Bà Ponagar trong Mộc bản triều Nguyễn không có nhiều điểm mới, khác biệt so với những tài liệu đã biết trước đây. Tuy nhiên, với việc trong khối Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vẫn còn lưu những bản khắc về Thiên Y A Na, về Tháp Bà Ponagar là điều rất đáng mừng. Qua đây, mọi người có dịp hiểu hơn về những giá trị đã được tạo dựng từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước.

Tác giả bài viết: Giang Đình - Thơm Quang

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây