Ảnh minh họa |
Món đồ nhỏ…
Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em bước vào thời kỳ “cao điểm”. Nhìn chung, các loại đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã và giá cả, trong đó đồ chơi truyền thống, hàng Việt rất được ưa chuộng.
Dạo một vòng dọc theo phố Hàng Mã có thể thấy, các loại đèn lồng bằng nhựa công nghiệp nhập ngoại đã được thay thế dần, thay vào đó là các loại đèn nan tre dán bóng kính được làm thủ công trong nước. Ngoài các mẫu mã quen thuộc như hình cá chép, con gà... người làm đèn đã cập nhật những mẫu mới như hình chú mèo máy Doraemon, chuột Mickey, Angry Bird…
Những chủ đề mang giá trị giáo dục cao như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng hay Ngư dân, biển đảo, Cảnh sát biển… cũng được các nhà sản xuất đưa vào trong mỗi chiếc lồng đèn, làm đa dạng mặt hàng, phong phú sự lựa chọn cho các em.
Không chỉ riêng đèn lồng, các loại đồ chơi truyền thống khác cũng ngày càng được chú ý, bày bán nhiều ở phố Hàng Mã. Đèn ông sao vẫn được xếp vào những mặt hàng bán chạy nhất của dịp này. Hay như đèn kéo quân, loại đồ chơi gần như bị lãng quên, nay xuất hiện nhiều trở lại trên các sạp hàng ở phố Hàng Mã.
Chủ hàng cho biết, đèn lồng lớn thường được bán cho các trường học, cơ quan. Những chiếc đèn quay quen thuộc, mẫu mã không thay đổi sau hàng thập kỷ nhưng nay được tân trang bằng bóng đèn led thay cho nến như ngày xưa.
Có thể nói, nhờ nắm bắt được xu thế thị trường, những món đồ chơi truyền thống đã đa dạng hóa mẫu mã và màu sắc để thu hút khách hàng. Những mặt hàng này được sản xuất với số lượng lớn nên có giá thành ngày càng giảm, cũng là một thế mạnh khi so sánh với các loại đồ chơi khác.
Theo khảo sát, đèn ông sao có giá từ 15.000-50.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, mặt nạ giấy bồi có giá 20.000-50.000 đồng/chiếc, đầu lân dao động từ 50.000-300.000 đồng/chiếc… Đặc biệt, đèn kéo quân đã trở lại thị trường với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/chiếc.
…Ý nghĩa lớn
Nhân viên bán hàng tại địa chỉ 21 Hàng Mã cho biết: Người tiêu dùng hiện có tâm lý ưu tiên đồ chơi Việt Nam làm thủ công bằng giấy vì an toàn, không nhiễm độc hóa chất. Nhất là những doanh nghiệp, đoàn thể đi mua quà cho con em trong đơn vị mình thì đều ưu tiên hàng Việt.
Tại cửa hàng của chị Hiền Mai (Hàng Mã, Hà Nội), càng gần đến Tết Trung thu lượng khách hàng đổ dồn về càng ngày càng đông. Theo chị Hiền Mai, các mặt hàng đồ chơi trung thu truyền thống đang được các tiểu thương tại đây chú trọng, thay vì các mặt hàng đồ chơi ngoại như những năm trước.
"Nếu như mấy năm trước, đèn lồng Trung Quốc hay các mặt hàng đồ chơi như gậy hơi, mặt nạ điện... được bán ra rất nhiều trong dịp Trung thu thì năm nay, chúng tôi đẩy mạnh các mặt hàng như đèn ông sao, đèn cù hay những chiếc mặt nạ giấy", chị Mai nói.
Đưa con trai đến phố Hàng Mã mua một chiếc trống cơm loại nhỏ với giá 50.000 đồng, anh Nguyễn Phúc Hưng ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, bản thân anh rất có cảm tình với các loại đồ chơi truyền thống.
Con trai anh năm nay 4 tuổi, ở nhà cháu có rất nhiều đồ chơi điện tử như xe điện, tàu điện… nên nhân dịp Trung thu, anh đã mua cho cháu một chiếc trống cơm, vừa để cháu có thêm một món đồ chơi thú vị, vừa giúp cháu tiếp cận gần hơn với các sản phẩm truyền thống mà ngày bé anh Hưng từng gắn bó.
Theo chị Nguyệt Ánh (Minh Khai, Hà Nội), 2 đứa con của chị, một đứa lên 10, một bé lên 5 không thể phân biệt được đâu là đèn cù và đâu là đèn kéo quân: "Các bé đã quá quen với rất nhiều loại đồ chơi hiện đại, song các loại đồ chơi truyền thống thì các bé không thể phân biệt được. Mỗi dịp Trung thu, tôi cũng mua cho các bé nhiều loại đồ chơi khác nhau, tùy vào sở thích của các bé. Nhưng năm nay, tôi muốn các bé hiểu được giá trị của truyền thống dân tộc nên quyết định mua mặt nạ giấy hoặc đèn lồng giấy cho các bé".
Bên cạnh mâm cỗ trông trăng, đồ chơi là món đồ không thể thiếu với các em nhỏ mỗi dịp Trung thu. Với sự gia tăng, cải thiện cả về số lượng và chất lượng của sản phẩm đồ chơi nội địa, người Việt đã có thể yên tâm mua tặng cho các em nhỏ. Những món đồ chơi dung dị đầy màu sắc ấy sẽ góp phần xây dựng nên những câu chuyện cổ tích đêm trăng đẹp như trong mơ của trẻ em Việt Nam.
Tác giả bài viết: Thu Hà (tổng hợp)
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...