Quan tâm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Thứ bảy - 22/09/2018 09:03
Những năm qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đã mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Mới đây, đường vào khu sản xuất Suối Phèn (thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp) được triển khai thi công với chiều dài 3,5km, kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Sau khi có nguồn vốn để làm đường, xã đã họp dân để thông báo chủ trương và xin ý kiến. Khi đã được người dân đồng ý, xã tiếp tục gặp gỡ các gia đình có diện tích đất bị ảnh hưởng để vận động người dân hiến đất. Sau đó, lại họp dân để thông báo rõ diện tích đất cần thu hồi của từng gia đình. Nhờ có sự đồng tình ủng hộ của người dân nên việc triển khai làm đường được diễn ra thuận lợi”, ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.

Đường vào khu sản xuất Suối Phèn được triển khai thuận lợi nhờ sự đồng thuận của người dân.

Để làm được con đường này, đã có 13 hộ tình nguyện hiến đất với diện tích 2,7ha. Trong đó, hộ hiến nhiều nhất là gia đình ông Nguyễn Huy Vũ (thôn Liên Hiệp). “Gia đình tôi có gần 1,5ha đất sản xuất nằm trong khu vực Suối Phèn. Khi làm con đường, diện tích đất bị giải tỏa gần 5 sào. Được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, tôi tình nguyện hiến toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng để làm đường. Theo tôi, đây là việc làm cần thiết, bởi khi có đường thì việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân và gia đình tôi sẽ thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Huy Vũ chia sẻ.

Theo ông Bo Bo Luyện - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hiệp, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự địa phương. Hiện nay, cơ bản xã đã đạt được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình dân vận khéo; nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai thực hiện mang đến kết quả tích cực. Thông tin về các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với người dân đều được niêm yết công khai ở trụ sở xã, thông báo rộng rãi trên hệ thống loa phát thanh, thậm chí xã còn cử người đến tận hộ gia đình để thông báo cho người dân được rõ.

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện Khánh Sơn về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2018, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của địa phương. Ông cũng yêu cầu huyện tiếp tục quan tâm triển khai công tác này một cách hiệu quả, thiết thực. Trong đó, chú ý quan tâm đến việc hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính; đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Trong 8 tháng năm 2018, huyện đã rà soát 1.826 văn bản hành chính do HĐND, UBND huyện ban hành; tổ chức 2 đợt kiểm tra công tác cải cách hành chính; tiếp 15 lượt công dân; nhận 37 đơn thư khiếu nại, tố cáo… UBMTTQ Việt Nam huyện đã tiến hành 2 đợt giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Sơn Hiệp; việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà thiệt hại do cơn bão số 12 năm 2017 trên địa bàn thị trấn Tô Hạp. Ở các xã, thị trấn của huyện, ban giám sát đầu tư cộng đồng và ban thanh tra nhân dân thường xuyên được củng cố, phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát. Tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp đã thực hiện tốt chế độ hội họp; công khai minh bạch tài chính; việc tuyển dụng, nâng bậc lương, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình; công tác cải cách hành chính được chú trọng tăng cường; công khai lịch tiếp công dân đến các tổ chức, cá nhân… “Có thể thấy, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở ở Khánh Sơn đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, nhận được sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền các cấp. Điều đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tiếp tục có những chuyển biến tích cực”, ông Trần Ngọc Sanh - Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Sanh cũng cho rằng, trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế. Đó là thái độ phục vụ người dân của các cơ sở y tế, giáo dục chưa thực sự được tốt, vẫn gây phiền hà, sách nhiễu. Công tác cải cách hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết công khai các văn bản, thông tin trên hệ thống loa phát thanh nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức.

Tác giả bài viết: Giang Đình

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây