Phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 có gì mới?

Thứ bảy - 25/11/2017 06:56
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo cụ thể về các phương án tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh và phương án thi tuyển kết hợp xét tuyển trên địa bàn TP. Nha Trang năm học tới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT.

- Thưa ông, vì sao sau 5 năm thực hiện phương thức xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), năm nay Sở GD-ĐT lại đề xuất phương án: thi tuyển kết hợp xét tuyển trên địa bàn TP. Nha Trang; xét tuyển đối với các địa bàn còn lại và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh?

- Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã áp dụng cả 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 gồm: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Phương thức nào cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm. Xét tuyển thì đánh giá được quá trình học tập và rèn luyện của học sinh (HS) trong 4 năm học ở cấp THCS; không gây áp lực thi cử đối với HS và phụ huynh; không gây tốn kém cho gia đình và xã hội; bảo đảm thời gian nghỉ hè 3 tháng cho HS và 2 tháng cho giáo viên. Tuy nhiên, khi thực hiện việc xét tuyển, giữa một số trường THCS có hiện tượng đánh giá, chấm điểm không thống nhất, không đồng đều, dẫn đến không công bằng cho HS trong xét tuyển.

Thi tuyển tạo cơ hội công bằng cho HS trong học tập nhưng sẽ dẫn đến tình trạng học lệch môn, ít chú ý rèn luyện đạo đức. Đặc biệt là dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; gây áp lực thi cử cho các trường và HS; gây tốn kém cho gia đình và xã hội; mặt khác không bảo đảm thời gian nghỉ hè cho HS và giáo viên.

Kết hợp thi tuyển với xét tuyển sẽ phát huy được ưu điểm của hai phương thức nêu trên. Tuy nhiên, phương thức này cũng không khắc phục triệt để được những hạn chế của 2 phương thức trên.

Việc đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 là dựa trên cơ sở nguyện vọng của một số cử tri ở TP. Nha Trang cũng như thực tế quản lý, chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Phương án này không làm thay đổi lớn về công tác tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh, mà chỉ thay đổi đối với địa bàn TP. Nha Trang, các địa bàn còn lại vẫn ổn định như cũ.

Phải nhấn mạnh rằng, dù phương thức tuyển sinh nào thì chất lượng giáo dục toàn diện của HS Khánh Hòa những năm qua đều được đảm bảo; tỷ lệ HS của tỉnh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Vì sao chỉ có TP. Nha Trang tổ chức thêm 1 kỳ thi tuyển song song với xét tuyển, còn các địa phương khác không tổ chức thi, thưa ông?  

- Tại TP. Nha Trang, các trường THPT công lập chỉ lấy khoảng 60% số HS nộp đơn dự tuyển. Còn tại các địa phương khác, số HS dự tuyển xấp xỉ với chỉ tiêu được giao nên không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi. Bởi nếu thi, điểm của thí sinh dù thấp cũng phải hạ xuống để tuyển đủ. Thêm một nguyên nhân nữa là HS trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập các trường ở TP. Nha Trang gần như đi học 100%; trong khi ở các địa bàn còn lại, rất nhiều HS trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập lại không đến trường học.

- Ông có thể nói rõ hơn về hình thức, thời gian tổ chức thi tuyển, cách thức tính điểm… đối với phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển trên địa bàn TP. Nha Trang?  

- Hàng năm, kỳ thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tổ chức thành 2 vòng: vòng 1 thí sinh thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; vòng 2 thi môn chuyên. Trên cơ sở đó, sở đề xuất các thí sinh thi vào các trường THPT đại trà trên địa bàn TP. Nha Trang năm học 2018 - 2019 sẽ thi 3 môn, chung đề vòng 1 với kỳ thi vào trường chuyên. Đề thi vòng 1 là đề thi được xây dựng theo trình độ của HS đại trà. Việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như vậy nhằm đảm bảo gọn nhẹ, tránh lãng phí so với việc tổ chức một kỳ thi riêng.

Về hình thức thi, các môn: Ngữ văn, Toán thi theo hình thức tự luận; môn tiếng Anh thi theo hình thức kết hợp tự luận với trắc nghiệm.

Về điểm xét tuyển, cách tính dựa trên tổng của ba loại điểm sau: tổng số điểm các bài thi sau khi đã tính hệ số; tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở cấp THCS; tổng các điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có.

Sở GD-ĐT đề xuất điểm các bài thi tính hệ số 2; điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở cấp THCS và điểm ưu tiên, khuyến khích sẽ được hướng dẫn cụ thể khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Giờ kiểm tra tại một trường THCS của TP. Nha Trang

- Năm học 2018 - 2019, lần đầu tiên các HS học theo mô hình Trường học mới (THM) tại 4 trường THCS sẽ tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng không biết cách tính điểm cho các HS này như thế nào?

- Cần lưu ý rằng, mô hình THM không thay đổi chương trình, nội dung mà chỉ thay đổi về phương pháp dạy học. Vì thế, nếu phương án thi tuyển kết hợp xét tuyển đối với địa bàn TP. Nha Trang được UBND tỉnh chấp thuận thì các HS học mô hình THM vẫn có thể dự thi và xét tuyển bình thường.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT, hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: tốt, khá, trung bình, yếu. Học lực được xếp thành 5 loại dựa trên điểm trung bình các môn học gồm: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Các mức này được quy đổi thành điểm (theo thang điểm 10) để làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10.

Đối với mô hình THM, HS được đánh giá theo 3 nội dung: học tập, phẩm chất, năng lực. Theo đó, về học tập có 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, một số nội dung chưa hoàn thành. Về phẩm chất có 3 mức: tốt, đạt, cần rèn luyện thêm. Về năng lực có 3 mức: tốt, đạt, còn hạn chế. HS còn có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm đối với các môn học. Trên cơ sở các yếu tố này, Sở GD-ĐT sẽ làm văn bản gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo về định hướng xếp loại học lực và hạnh kiểm cho HS học theo mô hình THM theo chuẩn của Thông tư 58. Từ đó, sở sẽ xây dựng phương thức quy đổi, xây dựng thang điểm xét tuyển và tổ chức lấy ý kiến các cơ sở giáo dục về phương thức quy đổi nhằm đảm bảo công bằng giữa các HS.

- Ông có thể cho biết thêm, hiện nay tỉnh có bao nhiêu HS đang theo học mô hình THM cấp THCS?

- Toàn tỉnh có 4 trường THCS triển khai thí điểm mô hình THM là: THCS Trần Nhân Tông, THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh), THCS Lê Thanh Liêm, THCS Nguyễn Công Trứ (TP. Nha Trang). Mỗi khối chỉ triển khai 2 lớp. Tổng số HS đang theo học mô hình THM là hơn 870 em, trong đó có hơn 240 HS lớp 9. Từ năm học 2017 - 2018, tỉnh đã dừng tuyển sinh khối lớp 6 theo học mô hình THM.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: H.NGÂN (Thực hiện)

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây