Khó lường
“Khánh Hòa không phải là địa phương chịu nhiều thiên tai” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã khẳng định như vậy tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 vào sáng 22-11. Có lẽ chính vì ít chịu tác động cực đoan của thời tiết, nên hoạt động ứng phó khi có sự cố xảy ra vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Tại cuộc họp trên, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định, cơn bão số 8 vừa qua ảnh hưởng đến Khánh Hòa khiến cho lượng mưa đo được ở TP. Nha Trang trong ngày 18-11 là gần 400mm. Chính quyền và người dân toàn tỉnh đã chủ động ứng phó, tuy nhiên, lượng mưa lớn chưa từng có trong ít nhất 20 năm qua cũng khiến cho công tác ứng phó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, có phần bị động. Xa hơn, Khánh Hòa liên tiếp ghi nhận những kỷ lục buồn về cơn bão số 12 xảy ra năm 2017. Một trận cuồng phong mà ngay cả những người sinh sống ở Khánh Hòa trên 60 năm cũng thừa nhận chưa từng gặp trong đời.
“Chủ quan, lúng túng” là bài học lớn mà chính quyền và người dân Khánh Hòa đúc rút ra được sau những thiệt hại vô cùng lớn do cơn bão có tên là Damray gây ra. Và chỉ cách đây ít ngày, cơn mưa cũng được xếp vào diện “lớn chưa từng thấy” trong buổi sáng ngày 18-11 đã khiến cho 5 khu vực ở thành phố biển bị sạt lở núi. 4 trong số đó để lại những mất mát không gì bù đắp được khi có tới 18 người thiệt mạng, 1 người mất tích, chưa kể 28 người bị thương.
Cả 2 sự kiện buồn về thiên tai mà Khánh Hòa phải gánh chịu trong 2 năm liên tiếp khác nhau về tính chất, mức độ. Nhưng có chung yếu tố khó lường ngay cả với những người làm chuyên môn.
Mưa lớn gây sạt lở đất và lũ quét
Các dự báo của nhiều cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế đều có chung nhận định, bão số 9 càng đi gần vào bờ biển Việt Nam sẽ càng giảm tốc độ và tăng cường độ. Sức gió cấp 9, 10 giật cấp 12 chưa phải là quá mạnh nếu so với cơn bão Damray mà Khánh Hòa phải hứng chịu cách đây 1 năm. Nhưng càng đi vào gần bờ, cơn bão này sẽ càng giảm tốc độ. Khi bão di chuyển càng chậm, hơi nước tích tụ càng nhiều, gây mưa lớn. Cùng với đó, việc gió mùa đông bắc đẩy không khí lạnh tràn về phía nam, kết hợp với bão sẽ tạo ra những trận mưa to đến rất to. Phổ biến từ 250-350mm.
Mưa lớn, dồn dập sẽ kéo theo sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt diện rộng. So với ngập lụt, sạt lở đất và lũ quét không phải là điều thường xuyên xảy ra ở Khánh Hòa. Vì thế, kinh nghiệm ứng phó của chính quyền, người dân vẫn còn hạn chế. Theo ông Lê Xuân Thái, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: “Sau đợt mưa vừa qua, hầu hết chân đất, vùng núi ở Khánh Hòa đều đã đạt ngưỡng tích nước. Khi đất đang “ngậm nước” sẽ thiếu ổn định. Trường hợp tiếp tục xảy ra mưa lớn, mưa bao nhiêu nước chảy xuống bấy nhiêu, tạo thành vùng chảy lớn gây xói lở, vì thế, khả năng sạt lở đất rất dễ xảy ra”. Vì thế, cùng với Nha Trang, các khu vực trọng yếu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét được xác định ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Thêm một yếu tố nữa đó là hiện tại các hồ chứa, nhất là các hồ nằm ở phía nam tỉnh như: Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục đều đã đạt ngưỡng tích nước. Trong trường hợp mưa quá lớn sẽ phải tăng cường mức xả lũ cũng là một trong những lo ngại của nhiều người dân ở khu vực hạ du.
Cần sự hợp tác của người dân
Có nhiều nguyên nhân khiến cho một số người dân vẫn còn khá chủ quan trước thiên tai. Một phần vì Khánh Hòa không phải là rốn bão, lũ. Phần khác, quan trọng hơn, đó là hoạt động kinh tế hướng biển với 8.000 lao động trên khoảng 41.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đây đang là thời điểm nhiều vật nuôi đến hồi thu hoạch. Với nhiều hộ dân, “gia tài điền sản” đang nằm hết dưới biển, khó có thể “bỏ của chạy lấy người” nhất là khi gió bão chưa hiện hữu. Theo tính toán, nếu bão đổ bộ vào Khánh Hòa hoặc mưa lớn xảy ra, ngoài 8.000 lao động kể trên, còn 280.000 người dân cần phải di dời khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm. Đó là một con số khổng lồ mà nếu không có sự hợp tác của người dân, dù chính quyền và các lực lượng hỗ trợ di dời có nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể đảm nhận được. Rút kinh nghiệm từ những lần thiên tai trước, việc di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn được thực hiện song song với việc cắt cử lực lượng ở lại bảo vệ tài sản cho người dân, đồng thời tránh được tình trạng người dân tự ý quay trở lại nơi nguy hiểm.
“Nắm chắc. Chủ động. Ứng phó quyết liệt” là những cụm từ đã được lãnh đạo tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Nắm chắc và kịp thời đến từng giờ hướng tuyến và cường độ của bão. Chủ động triển khai một cách thực chất các phương án đã được tính toán. Quyết liệt ứng phó trước, trong và sau bão. Với phương châm trên, đồng chí Lê Đức Vinh yêu cầu: “Tất cả các đồng chí lãnh đạo sở ngành, địa phương, phòng ban, tổ dân phố… không được tắt điện thoại kể cả trong những ngày cuối tuần, ngoài giờ làm việc, nhất là khi có mưa gió xảy ra”. Một yếu tố tưởng chừng đơn giản nhưng đã từng để lại rất nhiều khó khăn khi việc liên lạc bị ảnh hưởng.
Cũng chính bởi yếu tố khó lường của thời tiết, những tác động hết sức bất ngờ và sức tàn phá khủng khiếp mà mưa, lũ, bão có thể mang đến là một trong những yếu tố khiến cho cơn bão sắp tới sẽ trở nên nguy hiểm hơn gấp bội.