Thời hoàng kim của điện ảnh sau giải phóng, Nha Trang thực sự là miền điện ảnh, bởi nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố điện ảnh: biển với những khoảng không gian thuần khiết của thiên nhiên; đô thị xinh xắn, hoàn chỉnh các kiến trúc cổ từ thời Pháp tới tân thời sau giải phóng; cơ sở vật chất mà Nha Trang cung ứng cho các nhà làm phim là tuyệt vời và trên tất cả là phong cách con người Nha Trang nhẹ nhàng nhưng lại đầy chất đô thị hiện đại. Do vậy, sau Sài Gòn, Nha Trang thành điểm làm phim rất sôi động. Điều này thật may mắn cho Nha Trang khi được lưu lại trong những thước phim có giá trị một thời, trở thành tài sản tinh thần vô giá cho lớp con cháu mai sau khi muốn biết về Nha Trang một thời được mệnh danh là miền đất thùy dương thơ mộng như thế nào!
Có thể kể tới bộ phim đầu tiên gần như quay toàn bộ ở Nha Trang đó là phim “Tự thú trước bình minh” (năm 1979) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam với dàn diễn viên nổi tiếng như: Thế Anh, Lê Vân, Trần Tiến… Cho tới bây giờ, xem lại bộ phim này, khán giả có tuổi rất xúc động khi được gặp những cảnh Nha Trang sau giải phóng đầy chất thơ; còn lớp trẻ nếu xem sẽ thấy ngỡ ngàng về bãi biển xưa với những hàng dừa nghiêng bóng, phố phường, bệnh viện, sân bay Nha Trang, biệt thự cổ trên các đường: Trần Phú, Lý Tự Trọng, Lê Thành Phương... và cả Nhà thờ núi nổi tiếng. Từng tu nghiệp ở Paris, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mang trong mình chất lãng mạn và trí tuệ mang phong cách Pháp, do đó những thước phim do ông đạo diễn dù mang tính chính luận nhưng vẫn âm hưởng như một bản nhạc tình. Tác giả kịch bản chính là nhà văn xuất thân từ Hải Phòng, sau giải phóng về làm việc tại Nha Trang: Nguyễn Khắc Phục. “Tự thú trước bình minh” là một câu chuyện tình đầy đau thương nhưng vẫn ngập tràn cảm xúc với những hình ảnh Nha Trang rất đẹp.
Nhắc đến bộ phim “Về nơi gió cát” (năm 1981) của đạo diễn bậc thầy Huy Thành, chúng ta vẫn nhớ đến diễn viên Hương Xuân, Trần Vịnh với những trảng cát trắng phau miền Cam Ranh. Có lẽ đây là một bộ phim đậm chất lãng mạn đẹp như bức tranh về phong cảnh miền cát trắng. “Bãi biển đời người” (năm 1983) của đạo diễn Hải Ninh lại là một bộ phim thực sự có màu sắc điện ảnh tuyệt vời, chúng ta nhớ đến diễn viên gạo cội Huy Công và gương mặt xuất sắc Phương Thanh. Nhiều người có thể không nhớ tất cả nhưng hình ảnh về những bãi biển hoang sơ của Nha Trang và Ninh Hòa được đạo diễn sử dụng tối đa trong phim thực sự là tư liệu quý giá.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên thì nội đô Nha Trang cũng được lên phim. Chúng ta sẽ tìm thấy cảnh quan Nha Trang của những năm 1978, 1980, thời điểm còn nguyên trạng của đô thị trước giải phóng qua bộ phim thiếu nhi nổi tiếng “Sơn Ca trong thành phố” của đạo diễn Trần Khánh Dư, từ chùa Long Sơn, Biệt điện Bảo Đại, Tháp Bà, Hòn Chồng… Chúng tôi vẫn nhớ khi chiếu phim, nhiều khán giả rất thú vị khi thấy những di tích, danh thắng vào phim rất đẹp. Ngoài ra, với bộ phim này, cùng với các diễn viên thuộc lớp con em đạo diễn nổi tiếng thì các thiếu niên Nha Trang đã được đóng phim.
Thêm một bộ phim nữa xứng đáng là tư liệu về Nha Trang hoàn chỉnh từ chợ Đầm, đường Lê Hồng Phong, Trần Phú đầy cát, ngã ba Mả Vòng với trạm xăng đầy dây kẽm gai và đặc biệt là các đường phố Nha Trang ngập cây xương rồng, bờ lá tigon hoang sơ… đó chính là phim “Phương án ba bông hồng”. Bây giờ ai muốn xem Nha Trang của 50 năm trước và cả trước năm 1975 như thế nào thì hãy xem phim này.
Thời gian không trở lại, cảnh sắc đã thay đổi nhưng quá khứ thì luôn đẹp trong trái tim và tâm hồn của con người về miền đất mình yêu quý. Nha Trang thật may mắn là mảnh đất mà điện ảnh một thời ưu ái dành cho và đã lưu lại những thước phim vô giá.
Tác giả bài viết: Dương Trang Hương
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...