Người phụ nữ Raglai với nhiều cái "nhất"

Thứ tư - 08/03/2017 07:35
Từ việc trở thành người phụ nữ dân tộc Raglai đầu tiên của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy, chị Bo Bo Thị Yến đã tạo ấn tượng với thêm nhiều cái “đầu tiên” như thế nữa: nữ giáo viên dạy tiếng dân tộc Raglai đầu tiên cho cán bộ, nữ Phó Chủ tịch UBND huyện đầu tiên, nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh…

Đại biểu Quốc hội  

Ở huyện miền núi Khánh Sơn nói riêng và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Raglai tỉnh Khánh Hòa nói chung, không ai không biết đến chị Bo Bo Thị Yến, nữ ĐBQH khóa XII, nhiệm kỳ 2007 - 2011. Chị là người đầu tiên đại diện cho giới nữ của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh ghi tên mình vào danh sách nữ đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam.

 

Nữ đại biểu HĐND huyện Khánh Sơn nhiệm kỳ 2016 - 2021 (chị Bo Bo Thị Yến thứ hai từ phải qua)


Chị tham gia làm ĐBQH khi mới tròn 30 tuổi. Nhớ lại thời gian làm nhiệm vụ ĐBQH, chị Yến tâm sự: “Có lẽ tôi là ĐBQH nữ dân tộc thiểu số đầu tiên đi họp mang theo mẹ chồng và con trai mới được 6 tháng tuổi vì mỗi kỳ họp Quốc hội thường kéo dài hơn một tháng. Ngoài ra, tôi còn phải làm nhiệm vụ thành viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, thường xuyên phải tham gia các hoạt động giám sát nên hay đi các tỉnh miền núi xa xôi. Thế rồi, mọi chuyện khó khăn vất vả dần cũng qua đi với hai mẹ con”. Sau 4 năm gánh vác trọng trách, chị đã hoàn thành chức trách, nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà cũng như cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đã bỏ phiếu bầu cho mình.

Chị kể, chị sinh ra tại xã Miền I (nay là xã Sơn Bình và Sơn Hiệp). Bố mẹ chị là nông dân, cuộc sống gia đình rất nghèo, thu nhập hàng năm chủ yếu nhờ vào cây lúa, bắp, mì trên nương rẫy, năm nào được mùa thì đủ ăn, gặp năm nắng hạn, lũ lụt, mất mùa thì cả nhà đều bị đói. Nhà có 4 chị em gái, chị là con đầu, ngoài việc đi học chị còn phải cùng cha mẹ lên nương rẫy trỉa lúa, bắp, trồng mì, bẻ măng, hái rau rừng… Với suy nghĩ chỉ có cố gắng học hành mới thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo đẳng, chị đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, trở thành người phụ nữ dân tộc Raglai đầu tiên của huyện Khánh Sơn tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy chuyên ngành sư phạm (giờ đây chị đã có tấm bằng cử nhân). Tinh thần vượt khó, ham học của chị đã lan tỏa, tác động không nhỏ trong giới nữ người dân tộc Raglai.

Phó Chủ tịch UBND huyện

Chị Bo Bo Thị Yến cũng là người phụ nữ dân tộc đầu tiên được bổ nhiệm chức danh Chánh Văn phòng UBND huyện từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đến cuối nhiệm kỳ, chị lại một lần nữa ghi dấu ấn là người phụ nữ dân tộc thiểu số đầu tiên giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn và tái đắc cử chức danh này nhiệm kỳ 2016 - 2021. Có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, còn có sự quyết tâm rất lớn của bản thân chị. Chị đã vượt qua bao khó khăn, từ việc nhà đến việc cơ quan để tích cực tham gia học tập, nhằm đạt đủ chuẩn về trình độ chuyên môn và chính trị, tạo cho mình một vị thế bằng chính nỗ lực của mình, góp phần đưa chủ trương bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước đi vào thực chất cuộc sống.

Giáo viên dạy tiếng dân tộc Raglai

Sau sự kiện lợi dụng tự do dân chủ của Nhà nước, một số phần tử phản động ở Tây Nguyên kích động lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đi theo chúng để thành lập cái gọi là nhà nước ĐỀGA vào năm 2002. Trước tình hình phức tạp ấy, Chính phủ có nhiều chỉ thị, yêu cầu cán bộ người Kinh đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải nghe và nói được tiếng người dân tộc thiểu số địa phương. Vậy là sau một thời gian ngắn, nhóm thực hiện đề tài sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện chữ viết Raglai do ông Trần Vũ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện làm chủ nhiệm đề tài, cùng với một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa dân tộc như: ông Nguyễn Thế Sang, ông Mấu Quốc Tiến… đã cho ra đời cuốn từ vựng tiếng Raglai 5.576 từ và bộ giáo trình “Bài học tiếng Raglai”, “Bài học tiếng Raglai dùng cho ngành Y tế” và tài liệu củng cố giáo viên dạy tiếng Raglai. Để có người đứng ra giảng dạy tiếng Raglai, ông Vũ cùng ông Tiến đã đứng ra tổ chức phổ cập bộ chữ tiếng Raglai theo đề tài khoa học xã hội đã được Hội đồng Khoa học xã hội tỉnh nghiệm thu năm 1997 cho 8 giáo viên người Raglai, trong đó có chị Bo Bo Thị Yến.

Do nhu cầu cấp bách trong công tác dân vận nên lớp  học tiếng Raglai cho cán bộ chủ chốt của huyện được khai giảng. Cô giáo chính của lớp không ai khác hơn Bo Bo Thị Yến. Giờ đây, việc học tiếng Raglai đã được phổ cập rộng rãi cho đội ngũ cán bộ đang công tác tại các huyện, thị xã, thành phố có đồng bào dân tộc Raglai sinh sống trong tỉnh. Ấn tượng về hình ảnh cô giáo Yến vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều cán bộ của huyện, nhất là đội ngũ các y, bác sĩ và nhân viên điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Sơn.

Phát thanh viên tiếng dân tộc Raglai

Năm 2003, Tỉnh ủy yêu cầu Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa phải sớm xây dựng chuyện mục thời sự phát bằng tiếng dân tộc Raglai trên sóng KTV. Sau khi nghe nhà đài trình bày việc tuyển chọn nhân sự cho khâu biên dịch (từ tiếng Kinh qua tiếng dân tộc Raglai) và phát thanh viên gồm 1 nam 1 nữ, UBND huyện Khánh Sơn đã giới thiệu anh Mấu Quốc Tiến, khi đó là cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện cho khâu biên dịch; còn phát thanh viên thì giới thiệu 4 người (2 nam 2 nữ) và chị Bo Bo Thị Yến được nhà đài tuyển chọn đầu tiên. Thế rồi, chuyên mục tiếng Raglai cũng được phát sóng đúng lịch 2 tuần một lần, thời lượng khoảng 15 phút. Chị Yến làm phát thanh viên cho chương trình tiếng Raglai từ năm 2003 đến 2007, sau đó, do phải làm nhiệm vụ ĐBQH nên chị không làm phát thanh viên nữa.

Năm nay chị vừa tròn 40 tuổi. Chị tâm sự, được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nhiều, quê hương chị, dân tộc chị nay đã có nhiều thay đổi: đường giao thông, điện thắp sáng, nước sinh hoạt đã đến tận nhà, từng thôn; các xã đều có trạm y tế; hệ thống trường học được xây dựng mới, khang trang; các hoạt động văn hóa dân tộc Raglai được khôi phục gắn với việc xây dựng phong trào đời sống văn hóa ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới… Dù vậy, đời sống của đồng bào địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới chiếm hơn 63,82%; tỷ lệ học sinh bỏ học tuy giảm song vẫn còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc vẫn còn xảy ra ở một số nơi... Nỗi trăn trở đó cũng là nỗi niềm chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Song, với cương vị hiện nay, với những kinh nghiệm đã từng trải qua, tin rằng chị sẽ góp phần công sức của mình cùng tập thể UBND và Đảng bộ huyện thực hiện thành công những điều chị luôn nung nấu, ấp ủ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Thịnh

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây