Ngọn lửa yêu nước từ Gạc Ma

Thứ tư - 14/03/2018 08:43
Sự kiện 14-3-1988 đã gợi cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Một trong số đó là “Bà mẹ Gạc Ma” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (thơ Lê Tú Lệ) - ca khúc đầy tính hình tượng, khơi dậy lòng yêu nước trong người dân Việt Nam.

“Bà mẹ Gạc Ma” mở đầu bằng một câu hỏi xoáy sâu vào lòng người, gợi nhắc đến trang sử Gạc Ma bi tráng: “Chiều nay, trời có mưa không, sao biển Trường Sa đong đầy nước mắt. Chiều nay, trời có dông không mà lòng người nổi bão”. Sau câu hỏi là những ca từ đầy sức gợi cảm, tạc nên hình tượng người mẹ liệt sĩ đêm đêm chong đèn đợi con: “Gạc Ma, Gạc Ma. Bà mẹ Gạc Ma. Lạy trời anh về. Bà mẹ Gạc Ma. Mấy mươi năm rồi vẫn chong đèn đợi cửa, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi”.

NSƯT Thanh Thúy thể hiện ca khúc Bà mẹ Gạc Ma tại Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2015.

Hình ảnh người mẹ Việt Nam vò võ đợi con không xa lạ trong âm nhạc Việt. Thế nhưng, “Bà mẹ Gạc Ma” lại có sức lay động, ám ảnh người nghe hơn nhiều ca khúc cùng đề tài bởi nhạc sĩ đã biết chọn những chi tiết rất đắt giá. Những người con của mẹ đã hóa thân vào sóng nước nhưng mẹ không muốn tin đó là sự thật nên không lập mộ gió theo tín ngưỡng truyền thống. Mấy mươi năm rồi, đêm đêm mẹ vẫn “gối đầu lên nỗi nhớ” chong đèn đợi cửa, với ước mong một ngày con của mẹ sẽ về. Đáp lại ước mong của mẹ chỉ có những cơn gió biển lạnh lùng thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi. Có gì dữ dội hơn thế, và có gì đau hơn thế?!

Ca khúc “Bà mẹ Gạc Ma” được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết theo phong cách âm nhạc thính phòng. Những lời ca đầy ám ảnh được chuyên chở bởi những giai điệu trầm hùng, dữ dội gợi nên nỗi đau chất ngất trong lòng mẹ. Câu hát “Bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió, gối đầu lên nỗi nhớ, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi” với những nốt nhạc vút cao như mũi khoan xoáy sâu vào tâm thức người nghe. Những chữ Gạc Ma được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như muốn nhắc nhở người nghe nhớ về một trang sử bi tráng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhạc sĩ đã kết thúc bài hát với điệp ngữ “Lạy trời anh về. Lạy trời anh về. Gửi hoa theo sóng...”.

Về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Bà mẹ Gạc Ma”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết, cuối năm 2012, nhà thơ Lê Tú Lệ tặng ông tập thơ. Đọc qua một lượt, ông dừng lại ở bài “Những bà mẹ Gạc Ma” bởi bài thơ có những tứ, những câu rất lạ, rất hay. Câu thơ “gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi” cứ ám ảnh, quấn lấy tâm trí buộc ông phải ngồi vào bàn viết. Cuối năm 2013, ông viết những nốt nhạc đầu tiên, đến ngày 10-3-2014 ca khúc được hoàn thành. Nhạc sĩ tâm sự rằng với “Bà mẹ Gạc Ma”, ông muốn nhắc cho những kẻ có dã tâm biết rằng truyền thống bất khuất của người Việt luôn được tiếp nối. Người Việt Nam sẽ luôn đứng dậy để bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo của mình như đã làm suốt chiều dài lịch sử đất nước!

Ra đời chưa lâu nhưng “Bà mẹ Gạc Ma” đã được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Còn nhớ, trong đêm bế mạc Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2015,  nhiều khán giả đã đi từ bất ngờ đến xúc động khi nghe bài hát này qua sự thể hiện của NSƯT Thanh Thúy. Giọng hát tình cảm, da diết của Thanh Thúy cùng hình ảnh bà mẹ đêm đêm chong đèn đợi con được dàn dựng rất đẹp trên sân khấu đã khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Trong đêm chung kết Sao Mai 2015, Phạm Trung Kiên cũng đã thể hiện khá thành công ca khúc này. Ngay sau đó, bài hát có sức lan tỏa rất rộng, được sử dụng rất nhiều trong các chương trình ca múa nhạc về biển đảo.

Có thể nói, với “Bà mẹ Gạc Ma”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu nước, cháy mãi không bao giờ nguôi trong lòng người Việt!

Tác giả bài viết: THÀNH NGUYỄN

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây