Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh SơnGìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Raglai
Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Sơn: Đồng hành cùng hộ nghèo
Thứ tư - 26/01/2022 11:52
Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Khánh Sơn đã tăng cường giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh giải ngân vốn phát triển sản xuất
Hộ ông Cao Xuân Nhiệm (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) thuộc diện mới thoát nghèo. Gia đình ông đã phát triển được 100 cây sầu riêng, cùng các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên điều kiện chăm sóc các loại cây trồng còn hạn chế. Năm 2020, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng theo kênh tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo, được hỗ trợ 50% lãi suất hằng tháng. Nhờ đó, ông có kinh phí đầu tư chăm sóc cây trồng. Điều này đã mang lại cho gia đình ông cơ hội thoát nghèo bền vững. “Với nguồn vốn được vay, gia đình tôi đã đầu tư mua phân bón, hệ thống tưới để chăm sóc các loại cây trồng. Nhờ đó, cây trồng hiện đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, do giá cả phân bón ngày càng tăng cao kéo theo chi phí đầu tư cũng tăng lên nhiều. Do đó, tôi mong muốn ngân hàng nâng mức vay tối đa để gia đình tôi cũng như những khách hàng khác có thể đầu tư thêm vào sản xuất”, ông Nhiệm bày tỏ.
Bà Bo Bo Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Tô Hạp cho biết, hiện nay Hội đang quản lý 10 tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH, với hơn 500 hộ vay, số dư nợ hiện tại là 2 tỷ 803 triệu đồng. Phần lớn hội viên, phụ nữ vay vốn để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ góp phần nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo. Riêng trong năm 2021, Hội Phụ nữ thị trấn Tô Hạp có gần 20 hội viên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo bà Thái Thị Vinh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung, hiện nay, tổ đang quản lý 60 hộ vay, với tổng dư nợ 3,3 tỷ đồng. Hầu hết các thành viên trong tổ đều vay vốn theo kênh tín dụng cho vay giải quyết việc làm và sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Năm 2020, trong tổ có 5 hộ nghèo, đến cuối năm 2021 đã có 4 hộ thoát nghèo.
Năm 2021, NHCSXH huyện Khánh Sơn đã giải ngân hơn 53,2 tỷ đồng cho 1.314 lượt hộ vay vốn theo 8 kênh tín dụng (cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường và cho vay hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn, học sinh, sinh viên, cho vay nhà ở xã hội). Trong đó, chủ yếu tập trung các kênh tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, với mức vay bình quân là 37,1 triệu đồng/hộ. Hầu hết nguồn vốn giải ngân đều ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, nhằm đảm bảo vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng một cách nhanh nhất và hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã kịp thời tạo nguồn lực cần thiết để người dân phục hồi, phát triển sản xuất, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững. Năm 2021, huyện Khánh Sơn đã giảm được 375 hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2016-2020). Nâng cao chất lượng tín dụng
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Khánh Sơn cho biết, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ tại đơn vị là 221,7 tỷ đồng. Toàn huyện có 125 tổ tiết kiệm và vay vốn. Để nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi, thời gian qua, NHCSXH Khánh Sơn đã tăng cường các giải pháp huy động tiền gửi tiết kiệm, đẩy mạnh công tác thu nợ. Đặc biệt là thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm định, xét duyệt các khách hàng đủ điều kiện vay vốn trước khi giải ngân.
“NHCSXH huyện Khánh Sơn thường xuyên phối hợp với các tổ chức Hội nhận ủy thác tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ hội cơ sở, cán bộ giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về quy trình thẩm định thực tế, kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng, quá trình hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Sau khi đã giải ngân, các tổ chức Hội phải kiểm tra thực tế việc sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng. Nếu trường hợp sử dụng chưa đúng mục đích thì tiếp tục hướng dẫn bà con sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, có điều kiện trả vốn và lãi ngân hàng đúng quy định. Góp phần hạn chế tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn đến ngày 31/12/2021 là 381 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,17% tổng dư nợ), giảm 123 triệu đồng so với đầu năm”, ông Hưng nói.
Ảnh: Hồ Quốc
Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...