Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Sơn: Đồng hành cùng người nghèo

Chủ nhật - 24/09/2017 06:00
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) luôn đồng hành, bám sát mục tiêu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Mang lại sinh kế cho người nghèo

Ông Cao Văn Liệu (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết, do thiếu vốn đầu tư nên trước đây toàn bộ khu vực vườn nhà khoảng 1ha của ông chỉ trồng một số loại cây ngắn ngày như: bắp, mì nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2013, ông vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để chuyển đổi sang trồng cà phê và một số loại cây ăn quả như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, chuối. Đến nay, ngoài diện tích vườn nhà, gia đình ông còn trồng thêm khoảng 5ha keo. Nhờ nguồn thu nhập từ vườn rừng, vườn nhà, năm 2017, ông đã trả hết vốn vay ngân hàng và tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng đầu tư mua phân bón chăm sóc cây trồng, máy móc, dụng cụ sản xuất. “Ngoài vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, gia đình tôi còn vay vốn học sinh - sinh viên của ngân hàng để nuôi 2 con ăn học. Hiện nay, một đứa đã ra trường, đi làm và đã trả được vốn vay trước thời hạn, còn một đứa đang học cao đẳng. Mặc dù nguồn thu của gia đình chưa được nhiều, nhưng nhờ nguồn vốn vay nên chúng tôi cũng đã ổn định cuộc sống”, ông Liệu chia sẻ.  

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và lập gia đình gần 10 năm trước, cuộc sống của anh Cao Ngọc Tuấn (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên đến nay, cuộc sống của gia đình anh Tuấn đã ổn định và thoát nghèo, với mô hình kinh tế trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, mía tím kết hợp chăn nuôi. “Trước đây, vườn nhà tôi chỉ trồng bắp, nhưng từ khi được Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư trồng mía tím, cây ăn quả. Trong quá trình sản xuất, tôi cũng được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn về khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể, riêng mía tím bán được 15 triệu đồng/sào. Hàng tháng, tôi luôn đóng tiền gốc và lãi cho ngân hàng đúng quy định”, anh Tuấn cho biết. Nhờ làm ăn có hiệu quả, luôn trả lãi và gốc cho ngân hàng đúng quy định nên anh Tuấn đang được đề nghị Ngân hàng CSXH Trung ương khen thưởng.

Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân Khánh Sơn có điều kiện chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao

Theo bà Đinh Thị Thúy Xoan - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tô Hạp, đến nay, toàn hội có 181 lượt hội viên vay vốn Ngân hàng CSXH huyện, với số dư nợ trên 4,46 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay, những hội viên nghèo, gia đình khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững. Hiện tại, Hội CCB thị trấn không có nợ quá hạn, không có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích.

Bà Phạm Thị Yến - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn cho biết, để mở rộng đối tượng khách hàng được vay vốn ưu đãi, bên cạnh việc chú trọng thực hiện chương trình tín dụng tại những xã thuộc khu vực 2 và 3, năm 2017, đơn vị tập trung ưu tiên giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm tại những xã thuộc khu vực 1 (Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Theo bà Yến, những năm qua, Ngân hàng CSXH Khánh Sơn đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Sau 15 năm đi vào hoạt động (từ năm 2003), từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, với số dư nợ chỉ trên 1,7 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn đã giải ngân cho vay gần 210 tỷ đồng, với hơn 19.000 lượt hộ vay (có 95% hộ nghèo được vay vốn ngân hàng CSXH), doanh số thu nợ 96 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị đang thực hiện cho vay 9 kênh tín dụng, với tổng dư nợ đến ngày 31-8-2017 hơn 134 tỷ đồng, tăng 130 lần so với thời điểm mới thành lập. Toàn huyện hiện có trên 4.860 hộ vay vốn còn dư nợ, với 129 tổ tiết kiệm vay vốn. Hầu hết nguồn vốn giải ngân đều ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Phụ nữ, CCB, Đoàn thanh niên, nhằm đảm bảo vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng.

“Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, trước khi giải ngân, công tác kiểm tra, thẩm định đối tượng vay vốn được thực hiện chặt chẽ. Sau khi giải ngân, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp kiểm tra xem khách hàng có sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hay không. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, cũng như kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp bà con sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, có điều kiện trả vốn và lãi ngân hàng đúng quy định. Góp phần hạn chế tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn hiện tại ở mức 0,31%”, bà Yến cho biết.  

Tác giả bài viết: Đinh Luận

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây