Mọi người đều biết rằng, mã la được coi như một tài sản vô cùng quý báu đối với đồng bào dân tộc Raglai. Nó được ví như một vật thiêng thay thế buôn làng để kết nối giao tiếp với các bậc thần linh…, cũng là để cầu mong cho buôn làng làm nương rẫy trúng mùa, bội thu. Đồng thời, nếu buôn làng muốn cầu xin thần linh ban phát cho ân huệ gì… thì họ đều phải diễn tấu bằng mã la. Vì vậy, người ta cũng xem bộ mã la như một gia đình mẫu hệ, giống như gia đình của tộc người Raglai. Chiếc mã la to và có tiếng trầm nhất gọi là mã la mẹ - Char Ana, tiếp đến mã la cha - Char Ato, rồi đến mã la người con gái lớn - Char Matóa, tới mã la người con gái thứ - Char Dướp, cuối cùng tới mã la người con gái út - Char Pen. Đó là bộ mã la điển hình bắt buộc phải có của người Raglai gồm 5 chiếc thứ tự như trên. Ngoài ra, theo từng nghi thức lễ hội mà số lượng bộ mã la có thể tăng lên 7 hoặc 9 chiếc. Đôi lúc lại có kèm thêm cả trống “Sa gór” (trong vai người ông của gia đình), hoặc được bổ sung thêm những nhạc cụ truyền thống của người Raglai như đàn Chapi hay kèn bầu - Salakhen.
Tại ngày Văn hóa các dân tộc này, toàn bộ 8 đội mã la của 8 xã, thị trấn trong huyện đã sử dụng bộ mã la 7 chiếc. Người Raglai khi diễn tấu mã la luôn nhún nhảy và di động thành vòng tròn, theo ngược chiều kim đồng hồ. Do đó họ đã tạo nên được những động tác múa mã la rất đẹp và sinh động.
Được biết, đề án liên hoan diễn tấu mã la và múa dân gian Raglai của Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Khánh Sơn đã được nung nấu và ấp ủ từ năm 2016. Vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, những bộ mã la cổ của các xã hay trong các gia đình có chức sắc khi xưa đã bị thất tán hoặc ít nhiều đã không còn gìn giữ được nguyên vẹn nữa. Năm 2019, bằng mọi nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo các cấp cũng như của quần chúng nhân dân, các nghệ nhân đã góp sức phục dựng lại, đồng thời bỏ công khổ luyện lâu dài… nên đã dần xây dựng lại được các đội mã la tại các xã, thị trấn trong huyện.
Chính vì vậy, liên hoan diễn tấu mã la và múa dân gian Raglai lần thứ nhất được tổ chức trong ngày Văn hóa các dân tộc tại Khánh Sơn đã thành công rực rỡ, ghi đậm dấu ấn về những hoạt động thiết thực và hữu ích của ngành Văn hóa trong việc phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng mang đậm bản sắc dân tộc Raglai.
Thành công này mới chỉ là bắt đầu, và những người làm công tác văn hóa cần tính đến những bước đi kế tiếp để hình thức văn hóa phi vật thể này luôn được phát triển bền vững trong các nghi lễ tâm linh cũng như lễ hội dân dã tại cộng đồng theo một tiến trình vững chắc, có bài bản và khoa học. Mục tiêu cuối cùng của công trình này là phải được triển khai tới các đội mã la tại các xã, thị trấn… Thiết nghĩ, ngành Văn hóa - Thể thao cần quan tâm hơn nữa đến đề tài: “Diễn tấu mã la và múa dân gian Raglai theo từng làn điệu mã la trên đất Khánh Hòa”. Có lẽ đây cũng là một công việc cấp bách và hữu ích nhất trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian phi vật thể của dân tộc Raglai tại tỉnh Khánh Hòa…
Tác giả bài viết: VĂN HỌC
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...