|
Lễ hội Tết Khu Cù Tê – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia |
Lễ hội Tết Khu Cù Tê có lịch sử lâu đời, thường được tổ chức vào tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Lễ hội in đậm những yếu tố văn hóa thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nguyên thủy, coi vạn vật hữu linh, niềm tin vào thế giới thần linh và đặc trưng cho nền văn hoá sản xuất nông nghiệp. Đối với cộng đồng người La Chí, lễ hội Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau. Đến ngày tết dù ở xa cũng quay trở về cùng gia đình dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no gia đình hạnh phúc chính vì vậy mà cộng đồng dân tộc La Chí trong truyền thống hàng năm của mình không thể thiếu Lễ hội này.
Lễ Tết Khu Cù Tê thường kéo dài từ những ngày đầu tháng Bảy đến giữa tháng Bảy mới kết thúc. Trong ngày tết tháng Bảy của người La Chí không bao giờ được thiếu thịt trâu vây nên ngay từ ngày mồng hai tháng Bảy, khắp các buôn làng nguời La Chí đã bắt đầu rộn ràng mổ trâu ăn tết. Sau ngày lễ mổ trâu, các dòng họ đều tổ chức lễ ăn tết tại nhà tộc trưởng của dòng họ.
Vào ngày Tết, các trưởng tộc đều phải làm một loại rượu rất đặc trưng của người La Chí đó là rượu “hoãng”, rượu này chỉ dùng trong các ngày lễ tết. Rượu hoẵng được lần lượt đổ vào các sừng trâu để trưởng họ làm lễ cúng.
|
Rượu “hoãng”, rượu này chỉ dùng trong các ngày lễ tết. |
Lễ cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí diễn ra rất trang trọng. Các cụ trong hội đồng già làng sẽ bày giỏ, mâm, rượu cúng trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã, tiễn đưa cụ tổ của người La Chí cùng các cụ tổ tiên ba đời về nơi ở làm ăn, cầu mong phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, yên ổn, mùa màng tốt tươi.
|
Lễ cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí diễn ra rất trang trọng. |
Lễ hội Tết Khu Cù Tê đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc La Chí từ ngàn đời xưa đến nay, chính vì nét văn hoá đặc sắc đó mà Lễ hội đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.