Ông Quang là người Cam Ranh, lên Khánh Sơn lập nghiệp từ hơn 30 năm trước. Năm 1997, ông bắt đầu trồng cây lập vườn, đến năm 2005 thì chuyên canh cây sầu riêng. Hiện tại, diện tích canh tác của gia đình ông khoảng 9ha và đã trồng được hơn 1.000 cây sầu riêng. Trong đó, khoảng 400 cây đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Riêng năm 2017, gia đình ông thu được hơn 30 tấn sầu riêng, doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng; vụ lỡ năm 2018, sản lượng đạt 15 tấn, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 60%. Khác với hầu hết các nhà vườn trên địa bàn huyện không muốn để sầu riêng ra quả vụ lỡ vì e ngại sâu bệnh, với vườn sầu riêng nhà ông Quang, vụ lỡ lại trở thành thế mạnh, mang lại thu nhập cao. “Sầu riêng trái vụ rất hay bị nấm nên phải chăm sóc kỹ, thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và điều trị ngay khi cây mới chớm bệnh. Tuy chăm sóc sầu riêng trái vụ rất vất vả nhưng bù lại giá bán cao nên thu nhập cũng cao hơn vụ chính”, ông Quang chia sẻ.
Được biết, những ngày đầu lập nghiệp, ông trồng bắp, mì, bưởi năm roi, rồi hồ tiêu, mía tím… Do chưa có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị nên mọi việc đều phải làm bằng sức người là chính, cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên công sức ông bỏ ra phải gấp nhiều lần nơi khác. Ông không tránh khỏi những lần thất bại bởi sâu bệnh, thiếu nguồn nước tưới hoặc sản phẩm làm ra không đạt chất lượng nên không tiêu thụ được. Thời điểm đầu những năm 2000, ông là một trong những người đầu tiên trên địa bàn xã Ba Cụm Nam đưa cây sầu riêng về trồng. Nhằm khắc phục những khó khăn, nhược điểm trên diện tích sản xuất của gia đình, ông tích cực cải tạo đất, đào ao tích nước, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, từng bước cơ giới hóa sản xuất… Đặc biệt, từng cây sầu riêng trong vườn nhà ông đều được gắn số để tiện theo dõi, ghi chép quá trình chăm sóc, bón phân, kịp thời phát hiện và điều trị nếu bị sâu bệnh gây hại. Nhờ đó, vườn sầu riêng của gia đình luôn phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, năng suất, chất lượng ổn định.
Theo ông Mấu Uy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Cụm Nam, với sự cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động, nhiều năm liền, ông Lê Tấn Quang được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Mỗi năm, ông tạo việc làm cho 20 - 25 lao động địa phương, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tác giả bài viết: Đinh Luận
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...