Sản xuất ổn định nhiều năm
Nhiều năm nay, gia đình ông Mấu Hồng Lạng (thôn Ko Róa) vẫn canh tác trên diện tích đất rộng khoảng 1,5ha tại khu vực thượng nguồn suối Ko Róa. Trên diện tích ấy, gia đình ông trồng cà phê, hồ tiêu được hơn 10 năm, trồng sầu riêng được 7 - 8 năm. Mới đây, gia đình ông còn mua thêm giống sầu riêng, bưởi da xanh để chuyển đổi dần diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. “Diện tích đất này tuy nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, nhưng thực tế gia đình tôi đã canh tác hàng chục năm nay, từ thế hệ trước để lại. Tôi đang san mặt bằng để dựng lại căn nhà và làm vườn”, ông Lạng cho biết về nguồn gốc đất của gia đình mình.
Gần đó là vườn nhà ông Cao Đinh. Gia đình ông có 3ha đất sản xuất ở khu vực thượng nguồn Ko Róa, trước đây chủ yếu trồng bắp, mì; khoảng 15 năm trước, gia đình ông trồng cà phê, hồ tiêu; khoảng 8 năm trở lại đây, khi cây sầu riêng được giá, gia đình ông chuyển dần sang trồng sầu riêng. Nguyện vọng của ông Đinh cũng như nhiều hộ tại đây là Nhà nước sớm bóc tách khu vực này để cấp cho những hộ đã canh tác ổn định nhiều năm, giúp họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Ông Trịnh Minh Công - Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Lâm cho biết, hiện nay, có hàng chục hộ dân xã Sơn Lâm canh tác ổn định nhiều năm trên diện tích đất tại tiểu khu 266. Diện tích này về mặt pháp lý thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, nhưng thực tế có khoảng 194ha tại khoảnh 1 và 134ha tại khoảnh 2 người dân địa phương đã canh tác từ rất lâu, ít nhất cũng hơn 10 năm. Những khu vực này đã hình thành nên các vườn sầu riêng, bưởi, cà phê…
Kiến nghị bóc tách
Được biết, trước đây, diện tích đất rừng tại tiểu khu 266 được quy hoạch là rừng phòng hộ nên chưa thể bóc tách. Vừa qua, qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, diện tích này đã được điều chỉnh sang quy hoạch rừng sản xuất, có thể bóc tách được. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định bóc tách đất từ lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn để giao lại cho địa phương quản lý là thẩm quyền của tỉnh.
Mới đây, UBND xã Sơn Lâm đã có báo cáo kiến nghị UBND huyện Khánh Sơn kiểm tra, xem xét kiến nghị tỉnh bóc tách 328ha ở khu vực này giao cho địa phương quản lý. Việc bóc tách sẽ giúp các hộ canh tác ổn định lâu nay yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, sẽ tạo được quỹ đất để địa phương quản lý, từ đó có thể xem xét đối tượng được giao hoặc cho thuê đất để phát triển sản xuất, công tác quản lý cũng thuận lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, không riêng xã Sơn Lâm mà hiện nay, hầu hết quỹ đất trên địa bàn đều thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn. UBND huyện kiến nghị tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bóc tách một số diện tích đất rừng để giao cho địa phương quản lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có quỹ đất để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, xem xét việc rà soát, chuyển đổi những khu vực không thuộc rừng phòng hộ xung yếu sang rừng sản xuất để phát triển kinh tế.
Tác giả bài viết: BÍCH LA
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...