Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc kiểm kê này nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị DSVH của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông qua kết quả của việc kiểm kê, các cơ quan chuyên môn, các địa phương có giải pháp đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê DSVH truyền thống điển hình của 3 DTTS Raglai, Ê đê, T’rin. Việc tổng điều tra, kiểm kê DSVH truyền thống của 3 dân tộc trên còn nhằm xây dựng tiêu chí nhận diện DSVH tiêu biểu; lưu giữ về văn hóa dân tộc phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ khoa học các DSVH, danh mục nghệ nhân.
Với trách nhiệm của đơn vị chủ dự án, từ nay đến cuối năm, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ thực hiện việc xây dựng các phương án để thực hiện công tác kiểm kê. Trước hết, sở sẽ lựa chọn đội ngũ nhân sự để thực hiện các nội dung công việc kiểm kê. Đó là những người thuộc các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về DSVH truyền thống. Từ đây, có hướng mở các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ để nhận diện, kiểm kê chính xác các di sản, dấu hiệu của di sản.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2493 về việc phê duyệt đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. Ngày 18-8-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2434 phê duyệt những nội dung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án kiểm kê DSVH truyền thống 3 dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin là 1 trong 6 dự án thành phần của đề án nêu trên. |
Việc kiểm kê DSVH truyền thống điển hình của 3 dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin được triển khai tại 6 địa phương gồm: TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm. Có 4 nhóm đối tượng DSVH được tiến hành kiểm kê là: di vật, cổ vật; di tích; văn hóa phi vật thể; nghệ nhân. Những người thực hiện dự án sẽ tiến hành lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể của 3 dân tộc; nhận diện, xác định giá trị bảo đảm các tiêu chí về DSVH truyền thống, điển hình; lập danh mục nghệ nhân đang nắm giữ DSVH phi vật thể.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, lâu nay việc sưu tầm, biên soạn, phổ biến các loại hình DSVH của các DTTS trên địa bàn nói chung và 3 dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin nói riêng vẫn được diễn ra. Tuy nhiên, việc làm này cũng mang tính chất đơn lẻ, còn thiếu sự tập trung, đồng bộ. Chính vì thế, kết quả mang lại vẫn còn khá khiêm tốn. Có nhiều DSVH của cộng đồng các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin đã được chúng ta sưu tầm, giới thiệu, quảng bá như: sử thi Raglai, đàn đá Khánh Sơn, lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai; lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê; tục ăn hỏi và lễ cưới của đồng bào T’rin; có 4 nghệ nhân người Raglai ở Khánh Sơn được công nhận là nghệ nhân ưu tú… Nhưng nếu so với kho tàng DSVH truyền thống của 3 dân tộc thì những gì chúng ta đã làm được vẫn còn rất ít. Đặt trong bối cảnh ngày càng có nhiều DSVH vật thể, phi vật thể của đồng bào Raglai, Ê đê, T’rin đang đứng trước thực trạng mai một thì việc kiểm kê, lưu giữ trở nên cấp thiết.
Tác giả bài viết: Giang Đình
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...